Điểm sáng của nền kinh tế, vì sao du lịch vẫn tụt hạng phát triển?
Bất ngờ chỉ số tác động kinh tế, xã hội của du lịch thấp
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam cho thấy, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam đứng thứ 5 trong Đông Nam Á.
Đáng chú ý một số chỉ số trụ cột tụt hạng mạnh như: Hạ tầng hàng không giảm 17 bậc; Sự bền vững về nhu cầu du lịch giảm 24 bậc. Hai chỉ số mới đều xếp hạng thấp là mức độ mở cửa du lịch xếp hạng 80 và tác động kinh tế-xã hội của du lịch xếp hạng 115/119 nền kinh tế.
Khách du lịch tham gia hoạt động du lịch tại Việt Nam. Ảnh: Indochine |
Lên tiếng về chỉ số “Tác động kinh tế-xã hội của du lịch” của Việt Nam chỉ xếp hạng 115/119, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng đây là kết quả khá bất ngờ.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong các Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, quý, năm của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực du lịch, dịch vụ thường xuyên được đánh giá là điểm sáng trong nền kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Vì vậy, kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh thật sự chính xác tác động của du lịch Việt Nam đến phát triển kinh tế - xã hội, có thể do Diễn đàn Kinh tế thế giới chưa có đầy đủ dữ liệu thống kê cập nhật về du lịch Việt Nam.
Tương tự, chỉ số “Mức độ mở cửa du lịch” của Việt Nam xếp hạng 80, trong nhóm trung bình thấp của thế giới. Chỉ số này gồm có 4 chỉ số thành phần, trong đó "Yêu cầu về thị thực nhập cảnh" được đánh giá dựa trên báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới về Độ mở thị thực năm 2015 (UNWTO Visa Openness Report 2015) theo Cục Du lịch quốc gia là đã lạc hậu, chưa phản ánh được sự cải thiện lớn về chính sách thị thực của Việt Nam vừa qua.
Cụ thể, từ ngày 15/8/2023, Việt Nam đã chính thức áp dụng chính sách cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước với thời hạn tạm trú được nâng từ 30 ngày lên đến 90 ngày; và nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên đến 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực vào Việt Nam. Đây là bước đột phá về tạo thuận lợi cho đi lại du lịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đã tạo động lực quan trọng cho sự phục hồi mạnh mẽ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua.
Trao đổi với Báo Công Thương về Chỉ số tác động kinh tế-xã hội của du lịch của Việt Nam thấp, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho rằng, kết quả báo cáo có thể chưa sát với thực tế phát triển và đóng góp của ngành du lịch đối với nền kinh tế. Đặc biệt, du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi ấn tượng sau giai đoạn khủng hoảng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, kết quả chỉ số tác động kinh tế-xã hội của du lịch cần phải nhận thấy là do ngành du lịch thời gian qua cũng đang chịu tác động từ hệ lụy của dịch bệnh và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong đó, theo ông Phạm Hải Quỳnh, sau dịch Covid-19, việc sụt giảm trong nhân sự ngành du lịch cộng với chất lượng đào tạo nhân sự mới chưa hoàn toàn đáp ứng được với nhu cầu thực tế cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến kết quả đánh giá trên.
Ngoài ra, "việc chúng ta đang quản lý chưa chặt chẽ trong việc quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch quản lý văn hóa hay kiến trúc bản địa, điều này làm cho hoạt động kinh doanh, khai thác du lịch còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng"- ông Quỳnh nêu quan điểm.
Tiếp tục phát huy các thế mạnh nổi trội của Việt Nam
Vì vậy, để cải thiện các chỉ số phát triển, cạnh tranh du lịch nhất là chỉ số tác động kinh tế-xã hội của du lịch, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, cần nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, cụ thể đầu tư vào việc cải thiện sân bay, giao thông, dịch vụ khách sạn và du lịch khác để tạo môi trường thuận lợi cho du khách. Tăng cường quảng bá và marketing ngành du lịch. Trong đó, cần quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, văn hóa đa dạng và du lịch bền vững để thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích đầu tư vào ngành du lịch thông qua việc tạo cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư trong ngành du lịch, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng đến phát triển các sản phẩm du lịch mới có quản lý và định hình trong từng sản phẩm là hết sức quan trọng, nhằm giúp cho du lịch phát triển một cách bền vững. Mặt khác, đẩy mạnh hợp tác công tư thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân tham gia vào các hoạt động trong du lịch.
Vấn đề đào tạo, cải thiện chất lượng cũng cần phát triển đẩy mạnh hơn. Cụ thể, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động trong ngành du lịch để cung cấp dịch vụ chất lượng và tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế. Đào tạo lại, đào tạo thực hành cầm tay chỉ việc để có những nhân sự có kinh nghiệm thật sự trong từng lĩnh vực, từ đó cung cấp được nguồn nhân lực thực sự chất lượng cho ngành du lịch.
Nêu rõ một số giải pháp để cải thiện chỉ số phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng cho biết, trong thời gian tới, ngành du lịch cần phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ số liệu cập nhật về du lịch Việt Nam cho Diễn đàn Kinh tế thế giới để đánh giá đúng tác động kinh tế - xã hội của du lịch cũng như chính sách thị thực của Việt Nam.
Đồng thời, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, là cần tiếp tục phát huy các thế mạnh nổi trội của Việt Nam về sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, mức độ an toàn, an ninh. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở các địa phương...
Được biết, năm 2021, Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu lần đầu tiên được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, đây là sự thay đổi lớn của tổ chức này sau 15 năm áp dụng Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch. Sự điều chỉnh này bắt nguồn từ việc Diễn đàn Kinh tế thế giới thay đổi cách tiếp cận theo hướng phát triển bền vững sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Chỉ số năng lực phát triển du lịch năm 2021 được thiết kế theo 5 nhóm với 17 chỉ số trụ cột và 112 chỉ số thành phần. Tuy nhiên, năm 2024, một lần nữa Diễn đàn Kinh tế thế giới tái thiết kế Chỉ số năng lực phát triển du lịch gồm 5 nhóm, 17 chỉ số trụ cột và 102 chỉ số thành phần, trong đó, đã có những thay đổi khá quan trọng.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, chỉ trong 3 năm từ 2021-2024, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã hai lần điều chỉnh chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu cho thấy bộ chỉ số này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Trong bối cảnh đổi mới sau dịch bệnh, các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục có sự chuyển biến về tư duy, cách tiếp cận và phương pháp đánh giá. Những sự thay đổi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng các chỉ số của mỗi nền kinh tế.