Di sản tư liệu Ma nhai Ngũ Hành Sơn được công nhận
Lịch sử về kinh tế - văn hóa – xã hội lưu giữ trên ma nhai Ngũ Hành Sơn
Theo hồ sơ do Ban quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) cung cấp, ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá) tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.
Một trong 78 ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn |
Nhiều nhất là tại động Huyền Không đang lưu giữ 3 ma nhai, trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng “Huyền Không Động”. Tại động Hoa Nghiêm có 20 ma nhai; động Tàng Chơn có 20 ma nhai; động Vân Thông có 02 ma nhai; động Linh Nham có 03 ma nhai. Tại hang Vân Căn Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc có 03 bia ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.
Các thể loại ma nhai có thể thống kê gồm: Bi ký Phật giáo thời Chúa Nguyễn; Ngự bút vua Minh Mạng và thơ đề của các đại thần, quan lại triều Nguyễn; từ sau năm 1945 có nhiều bút tích của các hòa thượng, thiền sư, đạo sĩ; các bài thơ Nôm phụ đề quốc ngữ được khắc bản rải rác từ năm 2006 đến nay…
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn sử liệu quý cung cấp thông tin lịch sử về mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản từ thế kỷ XVII; Chính sách hướng biển và ngoại giao cởi mở, mềm dẻo của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực; Lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa kiều ở Việt Nam. Các ma nhai cũng thể hiện hệ tưởng tư chính trị Nho giáo của triều Nguyễn và các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam như truyền thống yêu nước, hiếu học, yêu chuộng chữ nghĩa và coi trọng đạo đức con người; về giai đoạn Phật giáo Việt Nam đã hội nhập và mang tính quốc tế cao.
Khách du lịch tìm hiểu về ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn |
Một số ma nhai ghi lại lịch sử về giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của thương cảng Hội An và giao lưu hàng hải khu vực châu Á – Thái Bình Dương; một giai đoạn phát triển của hệ thống văn tự ở Việt Nam: sử dụng hài hòa, đan xen giữa chữ Hán và chữ Nôm. Hoặc đơn thuần miêu tả diện mạo, vẻ đẹp nguyên thủy của danh thắng Ngũ Hành Sơn - một vùng thắng tích được mệnh danh là “Nam châu đệ nhất danh thắng”; Địa danh địa phương, bổ sung cho các tài liệu cổ như Ô châu cận lục và Phủ biên tạp lục cũng như các bộ địa chí của triều Nguyễn; Lịch sử hình thành và phát triển của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, các kỹ thuật điêu khắc đá thủ công đã không còn phổ biến…
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu Ma nhai Ngũ Hành Sơn
Ngày 26/11/2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á -Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP), Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là 01 trong 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh (bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương).
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu ma nhai Ngũ Hành Sơn, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, trong năm 2023, Sở Văn hóa – Thể thao cùng với UBND quận Ngũ Hành Sơn sẽ phối hợp với Sở Du lịch TP. Đà Nẵng tổ chức 10 khóa học dành cho hơn 1.000 hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế. Tại đó sẽ cập nhật kiến thức về các thông tin, giá trị ý nghĩa lịch sử của ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Bên cạnh đó, hiện Bảo tàng Đà Nẵng đã tiến hành dập văn bia bằng giấy dó các tác phẩm ma nhai để tổ chức triển lãm, giới thiệu tại các chương trình như tại lễ đón bằng công nhận Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào ngày 01/3; trưng bày, giới thiệu tại lễ hội Quán Thế Âm (từ 08 – 10/3), tuyên truyền đến các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng sẽ số hóa các ma nhai để khách tham quan và các nhà nghiên cứu có thể nắm được các thông tin liên quan đến ý nghĩa trên từng ma nhai |
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang tiến hành số hóa toàn bộ các bia ma nhai. Sau khi hoàn thành, thành phố sẽ cập nhật các thông tin này lên bản đồ di sản văn hóa Đà Nẵng. Ở mỗi hang động có bia ma nhai sẽ có bảng giới thiệu theo thứ tự từng ma nhai. Mỗi ma nhai cũng sẽ được gắn mã QR Code để khách tham quan và các nhà nghiên cứu có thể quét để nắm toàn bộ thông tin liên quan.
Thành phố cũng đang mời các nhà nghiên cứu để nghiên cứu đưa ra phác đồ bảo quản 78 ma nhai Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, sẽ đầu tư, sử dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại (không ảnh hưởng đến việc xuống cấp của ma nhai) để chiếu sáng các ma nhai giúp du khách trong nước và quốc tế chiêm ngưỡng toàn diện giá trị di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn.