Di dời trang trại xa khu dân cư
Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích kinh tế trang trại phát triển |
Ông Nguyễn Cảnh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn (huyện Đô Lương) - cho biết: Để tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển, xã đã quy hoạch các vùng đất xấu thành trang trại quy mô, khoán lại cho những hộ dân có nhu cầu làm trang trại với mức thuế phí ưu đãi. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, dạy nghề và kết nối lồng ghép chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại. Hiện, các trang trại trên địa bàn xã đều phát triển tốt, sản xuất có lãi. Sắp tới, địa phương tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất, di dời các trang trại ra những vùng đồng, xa khu dân cư…
Theo thống kê, tổng giá trị thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại đạt gần 1.500 tỷ đồng, bình quân trên 1.635 triệu đồng/trang trại. Tổng thu bình quân của trang trại đạt trên 200 triệu đồng/ha đất, cao gấp gần 3 lần so với sản xuất nông hộ. Hiện, Tân Kỳ là một trong những địa phương dẫn đầu về kinh tế trang trại hiện nay của Nghệ An với 98 trang trại, trong đó, 94 trang trại được cấp giấy chứng nhận; tổng thu nhập từ các trang trại năm 2019 là 166.306 triệu đồng, tạo việc làm cho 500 lao động thường xuyên...
Đến cuối năm 2019, Nghệ An đã có 631 trang trại được cấp giấy chứng nhận theo Thông tư số 27/2011/TT-BNN-PTNT, chiếm 68,81%. Từ nguồn vốn lồng ghép, các địa phương cũng đã thực hiện hỗ trợ trang trại mở rộng quy mô và phát triển sản xuất với tổng kinh phí lên hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, việc quy hoạch quỹ đất phát triển kinh tế được các địa phương quan tâm, chú trọng. Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển: Hỗ trợ chi phí mua cây, con giống; hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/trang trại xây dựng hệ thống xử lý nước thải, ao lắng, hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/trang trại chế biến bảo quản sản phẩm theo Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Dù đóng góp quan trọng, song kinh tế trang trại vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ. Theo đó, nhiều chủ trang trại chưa tiếp cận được kênh vay tín chấp theo Nghị định 55; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn ít; sản xuất của các trang trại chưa thật sự bền vững; liên kết sản xuất, kinh doanh giữa trang trại và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn ở mức thấp; đa số các trang trại còn thiếu kết nối với thị trường.
Theo ông Nguyễn Anh Hùng - Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, trang trại (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An), để kinh tế trang trại phát triển đúng mục tiêu Đề án đã đề ra, ngoài các chính sách hỗ trợ hiện hành, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách bổ sung: Hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật cho chủ trang trại; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do UBND cấp tỉnh quy định; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho chủ trang trại; được ưu tiên vay vốn hỗ trợ việc làm, từ các chương trình giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động địa phương; ưu tiên tham gia các dự án phát triển nông, lâm, ngư nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, các trang trại được hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; liên kết với doanh nghiệp trong liên kết chuỗi giá trị...
Nghệ An phấn đấu đến năm 2025, có 1.500 trang trại đạt tiêu chí, giá trị sản xuất của trang trại đạt 6.000 triệu đồng/trang trại; tổng thu nhập bình quân 1.000 triệu đồng/trang trại; trên 90% số lượng trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. |