Đi chợ... online
Hình thức kinh doanh ngày càng phổ biến
Đi chợ online không chỉ phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, mà nay qua tìm hiểu còn có khá nhiều người nội trợ đã chọn cách này để mua sắm thực phẩm cho dịp Tết sắp tới, tránh phải chen chúc trong các siêu thị hoặc phải đi chợ từ sáng sớm để chọn mua được đồ tươi ngon. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều cửa hàng tiện lợi đã mở thêm dịch vụ đưa hàng tận nơi với các thực phẩm đảm bảo an toàn như rau sạch, thực phẩm tươi sống, hoa quả nhập khẩu... Đồng thời, dịch vụ đặt đồ thờ ngày tết, nấu sẵn những món ăn cổ truyền ngày tết cũng phát triển giảm áp lực bếp núc cho người nội trợ.
Bán hàng qua mạng và ship tận nơi là một trong những cách tăng doanh số bán hàng hiệu quả mà hệ thống siêu thị mini đang sử dụng. |
Thương mại điện tử (TMĐT) như cánh tay nối dài của người bán lẫn người tiêu dùng. Không cần đến tận nơi, người dân ở thành phố vẫn có thể mua hàng ở khắp cả nước hay ở nước ngoài chỉ với chỉ một cú nhấp chuột.
Chị Thu Hiền – nhân viên ngành ngân hàng trên đại bàn TP Vinh nói: “Cuối năm, áp lực công việc lớn. Ra khỏi nhà từ sớm và thường rời trụ sở rất muộn, hầu như tôi không có thời gian dành cho việc mua sắm tại các cửa hàng. Thế nên tôi đã chọn đi chợ online để vừa làm việc, vừa mua được hàng hóa mà không mất nhiều thời gian tới chợ như trước đây”.
Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe và yên tâm về vấn đề vệ sinh thực phẩm, chị thường chọn những gian hàng quen. Thông thường là những cửa hàng chị đã từng tới, sau khi đã ăn hoặc mua đồ trực tiếp chị mới xin số điện thoại để nếu lần sau có nhu cầu sẽ gọi đặt hàng.
Cửa hàng đi chợ giúp bạn luôn cam kết thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng |
Đa dạng hình thức
Chính vì sự phát triển của xu thế TMĐT, trên địa bàn TP. Vinh xuất hiện khá nhiều chuỗi siêu thị mini như: Thực phẩm sạch Bibigreen, Thực phẩm sạch Tomato, Cửa hàng rau sạch Tâm Nguyên…với nhiều phương thức bán hàng qua điện thoại, mạng online với đội ngũ nhân viên giao hàng nhanh nhẹn, thông thuộc địa bàn thành phố.
Bên cạnh những DN, cơ sở buôn bán song hành cả hình thức giao dịch truyền thống và giao dịch điện tử thì hiện nay, trên thị trường TP. Vinh xuất hiện ngày càng nhiều tài khoản facebook chuyên kinh doanh trực tuyến. Hàng hóa đa dạng, từ bánh, trái, hàng tiêu dùng, hàng tiện ích, lương thực, thực phẩm đến các loại cây cảnh, hoa, các món ăn… Bất cứ lúc nào người tiêu dùng có nhu cầu đều được các chủ hàng đáp ứng.
Các đơn vị này đăng tải thông tin, giá cả các loại thực phẩm (bao gồm tươi sống, khô, đông lạnh không sơ chế hoặc có sơ chế, sản phẩm chế biến sẵn) trên website bán hàng. Nếu có nhu cầu đặt hàng, người tiêu dùng nhắn tin hay gọi điện trực tiếp, nhắn tin qua Facebook, Zalo. Sau khi nhận được đơn hàng, đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ sẽ xác nhận bằng điện thoại, tin nhắn, và mang tận tay người tiêu dùng.
Chị Ngọc Lê - chủ một trang facebook chuyên bán hàng online cho biết: “Ban đầu, chị chuyên bán các loại hải sản, nhưng về sau do doanh số đạt cao nên chuyển sang bán nhiều mặt hàng. Đến nay, shop online của mình đã bán tới hàng chục loại hàng hóa. Ban đầu, mình tranh thủ giao hàng cho khách sau giờ tan tầm nhưng hiện nay nhu cầu tăng nên phải thuê thêm nhân viên”.
Chị Thu Giang - Chủ cửa hàng thực phẩm sạch ở phường Lê Mao - TP Vinh nhận xét, dịch vụ đi chợ online đang có nhiều tiềm năng và sẽ góp phần cải thiện năng suất lao động cùng dinh dưỡng mỗi bữa ăn cho các gia đình thành thị. Không chỉ là cung cấp thực phẩm sơ chế một cách thụ động theo yêu cầu của người tiêu dùng, với mỗi loại thực phẩm, đi chợ nhanh còn cung cấp các kiến thức về loại thực phẩm đó cho người tiêu dùng (nguồn gốc xuất xứ, thành phần dinh dưỡng, cách bảo quản, cách chế biến…). Cửa hàng còn sơ chế, đóng gói theo số lượng gần như chuẩn nhất định (ví dụ, bịch 100gr, bịch 250gr…) để việc sử dụng cho mỗi bữa ăn của người tiêu dùng được hợp lý, không bỏ thừa, không quá ngán.
Cũng theo chị Giang, hiện nay mỗi ngày, cửa hàng tiện lợi của chị nhận từ 10 - 15 đơn hàng, tất cả đều là khách hàng quen thuộc cố định. Giá trị bình quân một đơn hàng là 200.000- 500.000 ngàn đồng. Nguồn hàng được chọn lọc từ các nhà cung cấp có thương hiệu.
Cũng theo chủ cửa hàng, nguồn thực phẩm được liên kết được với người trồng, người sản xuất để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát trực tiếp và chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Đảm bảo điều này không những đảm bảo nguồn gốc thực phẩm mà còn giảm chi phí trung gian, người nông dân, người sản xuất cũng có lợi mà chính cửa hàng và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.
Sự phát triển ồ ạt của hình thức giao dịch này trong thời gian gần đây báo hiệu một xu thế mới trong hoạt động kinh doanh thuơng mại trên thị trường Nghệ An. Đó là sự bắt nhịp đầy linh hoạt trong thời đại internet của cả người bán lẫn người mua. Tuy nhiên, mỗi bà nội trợ sẽ phải là người tiêu dùng thông thái trước "ma trận" thực phẩm như hiện nay.