Đến giữa tháng 9, xuất nhập khẩu cả nước vượt mức 540 tỷ USD
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 9 (1-15/9), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14 tỷ USD, giảm 6,73 tỷ USD so với nửa cuối tháng 8/2024.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng cao từ đầu năm đến nay đều giảm mạnh trong kỳ đầu tháng 9, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chỉ đạt 2,57 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 2,2 tỷ USD; điện thoại và linh kiện gần 1,9 tỷ USD, dệt may 1,21 tỷ USD, giày dép 623 triệu USD...
Một số mặt hàng nông sản vẫn duy trì được mức tăng khá trong nửa tháng 9, dẫn đầu là rau quả mang về 460 triệu USD, lũy kế đến 15/9 đạt gần 5,1 tỷ USD, hàng thủy sản 378 triệu USD, lũy kế 15/9 đạt gần 6,7 tỷ USD, cà phê 4,13 tỷ USD, xuất khẩu gạo đạt 4,060 tỷ USD, hạt điều 2,93 tỷ USD...
Tính chung từ đầu năm đến 15/9, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 279,38 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế (Ảnh: Cấn Dũng) |
Chiều ngược lại, nhập khẩu trong nửa đầu tháng 9 đạt 14,55 tỷ USD, giảm gần 3 tỷ USD so với nửa cuối tháng 8/2024.
2 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất trong nửa đầu tháng 9 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 4,72 tỷ USD, lũy kế đến 15/9 đạt gần 74 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 1,808 tỷ USD, lũy kế đến 15/9 đạt 33,17 tỷ USD.
Nhập điện thoại, linh kiệt gần 500 triệu USD, lũy kế 15/9 đạt 6,82 tỷ USD, nhập vải các loại 566 triệu USD, lũy kế 15/9 đat 10,25 tỷ USD.
Lũy kế đến 15/9, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 261,34 tỷ USD.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến 15/9 đạt 540,72 tỷ USD, trong đó thực hiện của doanh nghiệp FDI gần 367 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu 18,04 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, nền kinh tế hiện vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xung đột Nga - Ukraine và mới đây là Israel - Hamas tiếp tục leo thang, có dấu hiệu lan rộng ra các quốc gia lân cận. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn.
Vấn đề công suất dư thừa tại Trung Quốc hiện tại cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Ông Trần Thanh Hải đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn vượt mục tiêu đề ra đầu năm là tăng trưởng xuất khẩu trên 6%. Nếu điều kiện thuận lợi, xuất khẩu cả năm hy vọng có thể duy trì mức tăng trưởng 2 con số.
Thời gian tới, các đơn vị của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đồng thời, đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) với đối tác thương mại còn nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Bộ triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi.