Đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia vào năm 2027
Đề xuất lùi thời gian tăng thuế để hỗ trợ doanh nghiệp
Trong Tờ trình về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gửi đến Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm.
Theo đó, 2 phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa ra đối với mặt hàng bia, rượu. Phương án 1, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia, rượu trên 20 độ sẽ tăng từ năm 2026 lên 70%; 2027 là 75% và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến năm 2030 lên 90%. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng lên 40% vào năm 2026 và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến 60% vào năm 2030.
Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”. Ảnh: NH |
Phương án 2, thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ sẽ tăng lên 80% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% lên đến 100% vào năm 2030. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng 50% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% cho đến 70% vào năm 2030.
Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam tổ chức vào ngày 8/8, nếu áp dụng theo phương án 2 sẽ là “cú sốc” đối với doanh nghiệp ngành bia, rượu, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi sau dịch Covid-19, nay lại có nguy cơ đối mặt với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao.
“Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp trong ngành bia, rượu mà còn tác động đến cả chuỗi trong hệ sinh thái của ngành, ảnh hưởng đến sự đóng góp vào ngân sách nhà nước và hàng vạn lao động trực tiếp và gián tiếp” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định.
Cũng theo ông Ngô Trí Long, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao đối với mặt hàng bia, rượu còn có thể dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, khiến nhiều người tiêu dùng vì chi phí mà phải chọn và sử dụng hàng lậu, ảnh hưởng đến sức khoẻ, bệnh tật.
Từ thực tế trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất, xem xét lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia bắt đầu từ năm 2027 với mức tăng 5% cách nhau 2 năm một lần và dừng lại ở mức 80%, để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp trong ngành phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) - cũng cho rằng: Thay vì tăng 15%, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 5% với mặt hàng rượu, bia và điều chỉnh mức tăng 2 năm 1 lần thay vì mỗi năm một lần để doanh nghiệp có lộ trình chuẩn bị và hỗ trợ ổn định sản xuất kinh doanh.
“Bởi việc tăng thuế quá đột ngột, lộ trình dày quá, không có thời gian cho doanh nghiệp chuyển đổi sẽ khó đạt được mục tiêu chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đã đề ra” – bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.
Đại biểu góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Ảnh: NH |
Cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) - cho rằng: Việc áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia sẽ làm gia tăng việc sản xuất, kinh doanh đồ uống bất hợp pháp. Bởi sản phẩm rượu, bia sản xuất hợp pháp sẽ phải tuân thủ nhiều quy định như các luật thuế, luật phòng chống tác hại rượu bia… trong khi đồ uống bất hợp pháp không phải tuân thủ các quy định này.
Để ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương để ngăn chặn đồ uống có cồn bất hợp pháp. Hàng năm, Tổng cục Quản lý thị trường đã có các kế hoạch chuyên đề, định kỳ về mặt hàng rượu, bia, nhất là trong dịp Tết, sản lượng tiêu thụ rượu, bia cao.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia, rượu, bà Bùi Thị Việt Lâm – đại diện Quốc gia, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam - cho rằng: Khi Chính phủ Anh bắt đầu tăng thuế vào đầu năm 2023, tăng 10,1%, thấp hơn nhiều so với mức mà dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam hiện đề xuất – nước này đã chứng kiến lạm phát gia tăng và doanh số bán rượu mạnh giảm 20%. Sau cùng, chính phủ đã đình chỉ tăng thuế vào cuối năm 2023 để đối phó với việc giảm doanh thu từ thuế đồ uống có cồn và áp lực chi phí sinh hoạt.
Tương tự, năm 2023 Chính phủ Australia đưa ra dự toán rằng họ phải đối mặt với khoản thâm hụt 170 triệu USD Australia (tương đương 114 triệu USD) do thuế rượu tăng. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu ở Australia không chỉ làm thất thu ngân sách mà còn góp phần gia tăng lạm phát và áp lực từ chi phí sinh hoạt.
Từ thực tế trên, bà Bùi Thị Việt Lâm cho rằng, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để để áp dụng một cách hài hòa, hợp lý phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam. Cùng với đó, cần đánh giá toàn diện các tác động đối với đối tượng trực tiếp và các đối tượng gián tiếp, kinh tế, xã hội để tránh những ảnh hưởng tiêu cực, lan tỏa, không mong muốn hoặc thậm chí tác dụng ngược. Cân nhắc việc tăng thuế cao gây sốc thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, bên cạnh công cụ thuế cần đi kèm các công cụ khác như tăng cường chống buôn lậu, kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng…