Thứ ba 26/11/2024 02:20

Đề xuất giao Bộ Công Thương lập quy hoạch khoáng sản nhóm I

Đây là thông tin tại Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội báo cáo vào chiều 20/6.

Chiều 20/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Dự thảo Luật giảm 19 điều so với đề cương được thông qua

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Địa chất và khoáng sản (ĐC&KS), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: Sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trình bày tóm tắt dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (Ảnh: quochoi.vn)

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, dự án Luật được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 1 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua).

Một số điểm mới của dự thảo Luật gồm: Quy định về điều tra cơ bản địa chất (Chương III); Phân nhóm khoáng sản (Điều 7 và Chương VI); Tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương (chi tiết thể hiện tại mục V); Bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, thu hồi khoáng sản, khai thác tận thu khoáng sản); Khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng (Điều 53).

Ngoài ra, trong dự án Luật cũng đề cập điểm mới về sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn (Điều 52); Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế (Điều 103); Tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển (Chương VIII); Cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản (Điều 62); Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 5).

Đề xuất giao Bộ Công Thương lập quy hoạch khoáng sản nhóm I

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật ĐC&KS, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy nhấn mạnh: Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật ĐC&KS với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát đối chiếu dự thảo Luật với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thuế tài nguyên; đối chiếu với các dự thảo luật khác đang trình Quốc hội như dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy (Ảnh:quochoi.vn)

Đa số ý kiến Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với tên gọi Luật ĐC&KS và tên gọi này phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Tuy nhiên, để bảo đảm cân đối thành tố “địa chất” và “khoáng sản”, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về lĩnh vực địa chất trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành Luật Tài nguyên địa chất hoặc Luật Địa chất để bao quát hơn.

Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, việc kinh doanh chế biến khoáng sản độc lập không gắn với khai thác khoáng sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, đề nghị rà soát tránh khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản; nghiên cứu, bổ sung nội dung liên quan đến chế biến, sử dụng khoáng sản tại các quy định về chính sách của nhà nước đối với địa chất, khoáng sản; chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; chế biến khoáng sản.

Có ý kiến đề nghị làm rõ các nội dung về công nghiệp khai khoáng có thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật hay không; tiếp tục rà soát, bổ sung một số quy định liên quan đến công nghiệp khai khoáng trong dự thảo Luật.

Về phân nhóm khoáng sản (Điều 7): Ủy ban KH,CN&MT cơ bản thống nhất với quy định phân 04 nhóm khoáng sản như dự thảo Luật, trong đó tách riêng nhóm khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III) và khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số loại khoáng sản có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và phụ thuộc vào trình độ công nghệ ở thời điểm điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng nên khó xác định thuộc nhóm khoáng sản nào, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản, có thể dẫn đến lãng phí tài nguyên hoặc ảnh hưởng đến vấn đề dự trữ tài nguyên quốc gia.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các loại khoáng sản nhóm IV và làm rõ nội hàm khoáng sản “chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp” (điểm d khoản 1) để đơn giản hóa thủ tục khai thác cát sông, cát biển làm vật liệu san lấp. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ việc phân nhóm khoáng sản để áp dụng quản lý trong trường hợp mỏ có nhiều loại khoáng sản khác nhau; tiêu chí phân nhóm khoáng sản gắn với tiềm lực vị thế quốc gia, khoáng sản chiến lược gắn với quốc phòng, an ninh như đất hiếm, urani…

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu giải trình, tiếp thu các ý kiến nêu trên, tránh khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, quy định phân nhóm khoáng sản cần lưu ý các vấn đề liên quan đến một số khoáng sản như than, quặng phóng xạ, titan, bauxit và mối quan hệ giữa than, dầu và khí, đá phiến.

Toàn cảnh phiên họp tại hội trường (Ảnh:quochoi.vn)

Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác (Điều 9): Theo quy định tại điểm a khoản 1, địa phương nơi khai thác khoáng sản được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Có ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định ngay trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết việc điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản; điều tiết khoản thu trong trường hợp khoáng sản nằm trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bổ sung vai trò của tổ chức cộng đồng dân cư tại khu vực khai thác khoáng sản. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện các nội dung này.

Về quy hoạch khoáng sản (Điều 13): Khoản 1 quy định quy hoạch khoáng sản gồm Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I và Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ tác động của quy định mới này đối với công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, giải trình rõ hơn cơ sở xác định các loại quy hoạch khoáng sản, nội dung quy hoạch có bao gồm “chế biến và sử dụng” khoáng sản hay không; làm rõ lý do bỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ.

Có ý kiến đề nghị gộp 2 loại quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản (nhóm I và nhóm II) như dự thảo Luật vào 01 quy hoạch là “Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I, II” do Bộ TN&MT lập. Khoản 2 quy định phương án quản lý về ĐC&KS nhưng phương án này chưa có trong nội dung quy hoạch tỉnh (Điều 27 Luật Quy hoạch), đề nghị rà soát, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật về quy hoạch.

Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15): Vấn đề này, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quan điểm của Chính phủ như quy định của dự thảo Luật vì: (i) quy định này thể chế hóa nội dung “thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản” nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW; đồng bộ trách nhiệm của Bộ TN&MT trong quản lý quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản; (ii) việc phân công cho nhiều Bộ chủ trì lập các quy hoạch khoáng sản gây ra một số bất cập, không bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch và cấp phép hoạt động khoáng sản.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng giao Bộ Công Thương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I; Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm II vì: quy định này tương tự như quy định của Luật Khoáng sản hiện hành là phù hợp; bảo đảm sự phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan; hạn chế tình trạng cục bộ, khép kín, tăng tính minh bạch, khách quan trong quản lý nhà nước về khoáng sản; phát huy được tối đa năng lực, tổ chức của các cơ quan quản lý.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng để có phương án phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW, vừa bảo đảm tính hiệu quả, khả thi; cần phân tích, đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ, báo cáo Quốc hội về ưu điểm, hạn chế của từng phương án và nêu rõ các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện theo phương án được lựa chọn. Kết quả lấy Phiếu xin ý kiến thành viên Ủy ban KH,CN&MT về nội dung trên cho thấy: 37,2% đồng ý loại ý kiến thứ nhất; 58,1% đồng ý loại ý kiến thứ hai; 4,7% có ý kiến khác.

Nghiên cứu, bổ sung căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác đối với tài nguyên mới hoặc khoáng sản đa kim

Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 102): Vấn đề này, có 02 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quan điểm của Chính phủ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như dự thảo Luật vì: khoáng sản là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, vì vậy, nhà đầu tư phải trả một khoản tiền để được thực hiện quyền khai thác; cơ sở pháp lý của việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, thu thuế tài nguyên được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 121 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế; Luật Tài nguyên nước cũng quy định về hai khoản thu này đối với tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác đã được quy định tại Điều 77 Luật Khoáng sản hiện hành và trong thời gian qua, NSNN đã thu được số tiền lớn.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vì: Việc nộp cả tiền cấp quyền và thuế tài nguyên đang được xem là gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp khoáng sản. Tất cả nghĩa vụ tài chính nên được thể hiện trong khoản thuế mà doanh nghiệp khoáng sản phải nộp, có thể tăng thuế tài nguyên để bù đắp nguồn thu NSNN do không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Kết quả lấy Phiếu xin ý kiến về nội dung trên cho thấy: Đa số ý kiến thành viên Ủy ban KH,CN&MT (88,4%) tán thành loại ý kiến thứ nhất. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Quốc hội về kinh nghiệm quốc tế đối với nội dung tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tổng kết tình hình thực hiện tiền cấp quyền khai thác các loại tài nguyên trong thời gian qua.

Về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 103): Đối với vấn đề này, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và được thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế như quan điểm của Chính phủ tại dự thảo Luật là phù hợp vì: Tiền cấp quyền nộp theo năm sẽ giúp doanh nghiệp không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Việc quyết toán tiền cấp quyền theo sản lượng thực tế sẽ giải quyết vấn đề chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò với sản lượng thực tế. Nếu tính tiền cấp quyền chỉ căn cứ trên cơ sở sản lượng thực tế thì có thể trùng với thuế tài nguyên.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế vì: Việc tính tiền theo trữ lượng khoáng sản không bảo đảm chính xác, có thể rủi ro cho tổ chức, cá nhân; có trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép, đã nộp tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng nhưng chưa thể khai thác do vướng mắc về giải phóng mặt bằng; doanh nghiệp gặp khó khăn khi rất cần kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản mỏ nhưng đã phải nộp tiền cấp quyền lớn theo trữ lượng khi chưa phát sinh doanh thu.

Kết quả lấy phiếu xin ý kiến thành viên Ủy ban KH,CN&MT về nội dung trên cho thấy: 53,5% đồng ý loại ý kiến thứ nhất; 39,5% đồng ý loại ý kiến thứ hai; 4,7% có ý kiến khác; 2,3% không chọn phương án nào. Có ý kiến đề nghị đối với thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng nên thu tiền cấp quyền theo đợt (2-3 đợt) thay cho việc thu theo năm, không nên quyết toán theo thực tế vì không phù hợp với bản chất; có ý kiến đề nghị nghiên cứu có phương án đảm bảo sự công bằng giữa phương án thu, nộp đối với mỏ đấu giá và không đấu giá.

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác đối với tài nguyên mới hoặc khoáng sản đa kim chưa quy định về giá tính thuế tài nguyên; quy định rõ quyết toán theo năm hay cuối chu kỳ khai thác mỏ, phương thức thu, quyết toán.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 'nóng' về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria gặp gỡ báo chí

Tuyên bố chung Việt Nam-Bulgaria: Đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực

Nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in

Kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến: Thiết lập chế tài mạnh

Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Bulgaria

Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev gặp gỡ bạn bè Việt Nam từng học tập, làm việc tại Bulgaria

Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Đại biểu bàn phân cấp, phân quyền

Tổng thống Bulgaria đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào xã giao lãnh đạo Campuchia nhân dịp dự IPTP 11

Củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nam-Malaysia

Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)