Sáng 17/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn qua Gia Nghĩa – Chơn Thành.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được đề xuất đầu tư với mục tiêu nhằm kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, khai khoáng… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Sáng 17/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án Cao tốc Gia Thành- Chơn Nghĩa - (Ảnh:quochoi.vn) |
Trước đó, sáng 22/5, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án đầu tư khoảng 128,8 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỉ đồng, bao gồm 12.770 tỉ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỉ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.
Về tiến độ dự kiến, chuẩn bị dự án năm 2023 - 2024; giải phóng mặt bằng năm 2024 - 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
Về một số đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư dự án; cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của Ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện dự án (8.770 tỷ đồng).
Cần xem xét vấn đề chia sẻ lưu lượng xe 2 dự án BOT song song
Được biết, dự án đường cao tốc Bắc- Nam phía Tây đoạn đi qua Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ song song với quốc lộ 14.
Trước đó ngày 25/5 trong chương trình họp tại Tổ, đại biểu Phạm Văn Thịnh- đoàn Bắc Giang cho biết: Quốc lộ 14 hiện nay đang có 2 trạm thu phí BOT gồm: Trạm BOT cầu Hàm Rồng và trạm BOT cầu 110. Cả 2 trạm này mỗi trạm có thời gian kết thúc hợp đồng khác nhau, có trạm kết thúc vào năm 2028, có trạm kết thúc vào năm 2030.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 17/6 (Ảnh:quochoi.vn) |
Tại buổi thảo luận tại hội trường sáng 17/6, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng số lượng xe vận tải đi qua tác động đến doanh thu của dự án.
Đại biểu nêu, tôi đồng tình cao với chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) bởi đây là một con đường chiến lược cả về chính trị và kinh tế cũng như đồng tình cao với các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu trước đó.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Thịnh có thêm ý kiến là về tính doanh thu của dự án. Theo đó, việc dự báo nhu cầu xe vận tải đi qua tuyến này mà theo báo cáo của Chính phủ và của Bộ Giao thông Vận tải có đề cập đến năm 2030, đoạn tuyến cao nhất từ IC1 đến IC3 mới có là 7600 xe đi qua trong/ngày đêm. Tính đến thời kỳ thu hồi vốn là năm 2045, cao nhất là có 23.000 xe. Vì thế, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, đây là những số liệu chúng ta cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp bày tỏ nhất trí với sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), cho rằng đây là đoạn đường có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ. Về quy mô và dự án đầu tư, cơ quan hữu quan đã hết sức cầu thị, ngoài đầu tư từ ngân sách nhà nước, phải sử dụng từ phương thức đối tác công tư theo quy định và áp dụng cơ chế đặc thù cho đoạn đường này
“Về tác động của dự án tới đường giao thông BOT, theo báo cáo, hiện đã có 2 đường hiện hữu thực hiện BOT, giờ tiếp tục thực hiện theo phương thức BOT thì sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng đến 2 đường BOT đã hiện hữu. Do vậy, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu để đảm bảo công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư”- đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Đề xuất bù từ ngân sách nhà nước cho dự án bị ảnh hưởng
Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ, tại hội trường, có thể thấy tất cả các đại biểu Quốc hội đều đồng tình ủng hộ rất cao về sự cần thiết phải triển khai dự án đường cao tốc này để thúc đẩy liên kết vùng ở khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình một số vấn đề đại biểu nêu sáng ngày 17/6 (Ảnh:quochoi.vn) |
Về tác động của dự án đến các dự án BOT song hành trên quốc lộ 14, Bộ trưởng cho biết, khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía đông và một số tuyến ngang, không chỉ có 2 dự án BOT bị ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác.
Tác động này đã được Chính phủ lường trước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt là do quá trình nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và các trục ngang, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Bộ trưởng cho rằng, sau khi dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đi vào hoạt động, sẽ có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể, có thể là kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng.
Được biết, trước đó Chính phủ đã đồng ý lấy từ nguồn ngân sách nhà nước "bù” khoảng 3.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang đi Lạng Sơn do doanh thu chỉ đạt 30% so với phương án tài chính. Nguyên nhân là do tuyến quốc lộ 1 song song với dự án sau khi được nâng cấp các phương tiện chuyển sang đi tuyến quốc lộ 1 thay vì lựa chọn đi cao tốc. |