Đề nghị thu hẹp lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến đóng góp, Thường trực UBKT thấy rằng, còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nổi lên là quy định về lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP. Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư dự án PPP (khoản 1 Điều 5), Thường trực UBKT đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, có tính liên kết vùng miền, tính lan toả |
Về quy mô đầu tư dự án PPP (khoản 3 Điều 5), ông Thanh cho biết, sau phiên họp thứ 43 của UBTVQH, dự thảo Luật gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách đề xuất 2 phương án: (1) Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng. Thường trực UBKT đánh giá, quy định này thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP như đã nêu ở trên, xác định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Đối với các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa chủ yếu thực hiện thông qua đầu tư công vì nếu đầu tư qua phương thức PPP sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cũng như khó thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước. (2) Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế... hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa. Quy định này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu.
“Theo báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách, có 9 ý kiến nhất trí phương án 1; 7 ý kiến nhất trí phương án 2” – Ông Thanh cho biết.
Trong phần thảo luận, đi vào nội dung cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị xem xét vấn đề thủy lợi có thể đầu tư theo hình thức PPP hay không? Ngoài ra, theo ông Phúc, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, điều chỉnh tăng vốn nhà nước lên mà không tăng vốn tư nhân lên thì cũng cần phải cân nhắc, tỷ lệ này nếu tăng thì phải cùng tăng, không lên quy định quá nguyên tắc sẽ khó khả thi. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng cần làm rõ vấn đề những dự án thuộc lĩnh vực Quốc phòng sẽ chỉ định thầu, như vậy có hợp lý trong dự Luật này không. Riêng khái niệm nhà máy điện, ông Phúc đề nghị nên ghi theo lĩnh vực sản xuất điện hoặc công nghiệp điện để hiểu cho rõ ràng hơn.
Cho rằng cần có tư duy cởi mở hơn với một số vấn đề trong Dự án Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị không nên quy định chặt quá vì sẽ không thu hút được các nhà đầu tư tư nhân quan tâm và đầu tư. Cụ thể, về quy mô đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, nên quy định không thấp hơn 200 tỷ đồng, tập trung vào những công trình khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực như giao thông miền núi... Về thẩm quyền quyết định dự án PPP nên tiếp thu theo hướng để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc phạm vi quản lý của địa phương, như vậy vừa đảm bảo được trách nhiệm giám sát và đảm bảo tính cởi mở, không áp đặt.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Cơ quan soạn thảo phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện dự án Luật đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật, ngoài ra cần có những quy định đặc thù để thu hút đầu tư PPP.