Để ngành cơ khí phát triển nhanh hơn
Còn nhiều khó khăn
Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh 9 tháng năm 2018 tăng 7,51% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,31%). Trong đó, ngành cơ khí tăng 9,05% (cùng kỳ tăng 3,4%), đặc biệt lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tăng 19,14% (cùng kỳ tăng 10,43%); sản xuất máy móc, thiết bị tăng 14,72% (cùng kỳ tăng 7,85%).
DN ngành cơ khí - điện nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng cho DN FDI |
Ông Lê Phước Tống - Chủ tịch Hội doanh nghiệp (DN) cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh - cho biết, ngành cơ khí hiện đang phát triển khá ổn định với sự hỗ trợ tích cực của chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Các phân ngành đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ như: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 14%; máy móc, thiết bị tăng 18,51%; thiết bị điện tăng 26,31%…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các DN ngành cơ khí cũng đang đối mặt với khá nhiều khó khăn, đó là chính sách thuế, sự tiếp cận với các gói kích cầu đầu tư của thành phố, mặt bằng sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng CNHT cho các DN FDI… Cụ thể, DN nhập khẩu máy móc nguyên chiếc được hưởng mức thuế 0% nhưng DN sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất phải chịu mức thuế 10%. Đây là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm chế tạo trong nước không thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại, dẫn đến thị phần của DN Việt bị hạn chế.
Hướng tới bền vững
Theo ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn - cần tăng cường đào tạo nguồn lực, có nguồn vốn ưu đãi để giúp DN ngành cơ khí- điện đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, các hệ thống quản trị mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển ổn định và bền vững.
Cụ thể, thành phố cần sửa nội dung trong Quyết định 15/2017/QĐ- UBND quy định về hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và CNHT; Quyết định 50/2015/QĐ- UBND ban hành quy định về thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư. Bởi hiện nay, khi DN muốn điều chỉnh danh mục đầu tư phải làm thêm các thủ tục mất nhiều thời gian và phức tạp.
Ông Lê Phước Tống cho rằng, các DN cần liên kết để chia sẻ thông tin, thị trường, kinh nghiệm sản xuất cũng như thực hiện các đơn hàng lớn từ các DN nước ngoài khi cần. Thực tế, sự liên kết này còn rất lỏng lẻo, thậm chí trong nhiều trường hợp cạnh tranh không lành mạnh làm triệt tiêu nội lực phát triển của nhau.
Ngoài ra, để các DN CNHT nói chung và ngành cơ khí- điện nói riêng mạnh dạn đầu tư phát triển, khi đàm phán đầu tư với các DN FDI, nhà nước cần đưa ra các điều khoản ràng buộc nhà đầu tư phải sử dụng tỷ lệ nhất định sản phẩm, dịch vụ do DN 100% vốn Việt Nam sản xuất. Khi làm được điều này, các nhà sản xuất nước ngoài sẽ tương tác, hỗ trợ các DN Việt Nam có cơ hội phát triển sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu trong chuỗi cung ứng.