Cơ cấu lại nền kinh tế: Bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng |
Trong bối cảnh dịch bệnh kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần gắn phục hồi tăng trưởng, theo đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), trước hết chúng ta đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Vì vậy, Việt Nam phải có sự bứt phá với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn so với mức bình quân 6,7% giai đoạn 2016- 2019.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) |
Bên cạnh đó, tác động cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi tư duy kinh doanh, quản lý mới, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội mới và thể chế mới; tác động dịch bệnh COVID dẫn đến thay đổi hành vi kinh tế, xã hội và quan hệ kinh tế quốc tế; chuyển dịch chuỗi, đa dạng quan hệ thương mại, chuỗi trong nước.
“Thực tế này đặt ra yêu cầu mới cho phát triển bao gồm: Sức chống chịu, thích ứng, năng động, linh hoạt nền kinh tế và doanh nghiệp đòi hỏi nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đây sẽ vừa là cơ hội vừa là những thách thức rất lớn cho chúng ta trong thời gian tới”- đại biểu Phan Đức Hiếu nêu cụ thể.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế là tạo ra thay đổi nền tảng - cách thức điều hành để có cơ chế phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng đối tượng. Nguyên tắc phân bổ là khu vực, chủ thể nào có năng lực sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất thì phải có cơ hội để tiếp cận nhanh nhất, kịp thời và đầy đủ. “Trong khi đó, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế là tổng hợp các biện pháp để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, lao động… Do đó, cơ cấu lại nền kinh tế rõ ràng sẽ giúp cho kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế được thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn”- đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đánh giá cao nhiều giải pháp đã nêu trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với kế hoạch phục hồi kinh tế. Tuy vậy, cần thể hiện rõ nhiệm vụ và mục tiêu về nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Cụ thể, yêu cầu cải cách thể chế hiện nay không chỉ là tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính mà còn năng lực quản trị quốc gia, như: năng lực dự báo, hiệu quả phối hợp, tính nhanh chóng và kịp thời, chủ động ra quyết định với chất lượng cao, tính thích ứng và ứng phó hiệu quả với biến động khó lường.
“Tôi cũng đề nghị Chính phủ nên rà soát, đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn vừa qua. Từ đó, cần thiết kế có cơ chế tổ chức thực hiện hiệu quả, đảm bảo rằng kế hoạch phải được thực hiện kịp thời, đúng thời hạn và đầy đủ”- đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị.