Đẩy mạnh triển khai hoạt động ngân hàng số
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược). Đây là một sự kiện lớn thể hiện tầm nhìn dài hạn và bước đi vững chắc đối với sự phát triển của ngành Ngân hàng. Chiến lược nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam... Chiến lược cũng đề ra những mục tiêu cụ thể với các giải pháp và lộ trình thực hiện cho từng giai đoạn.
Ngành Ngân hàng chính thức triển khai Chiến lược pát triển đến năm 2025, định hướng 2030 |
Bên cạnh đó, Chiến lược cũng nêu rõ, ngành ngân hàng thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính; thực thi vai trò giám sát các hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội nghị |
Ngoài ra, Chiến lược quy định sẽ phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng: các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Đến năm 2020, các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đến 2025, tất cả NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao. Đến 2030, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiến tới xóa bỏ cơ bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Bên cạnh đó, phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Theo Chiến lược, hệ thống ngân hàng phát triển năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.
Để triển khai thực hiện tốt và đạt được các mục tiêu đề ra tại Chiến lược, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh yêu cầu các đơn vị trong NHNN và hệ thống các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược cụ thể tại đơn vị theo các mục tiêu, giải pháp đã đề ra và đảm bảo đúng lộ trình; chủ động, sáng tạo triển khai hiệu quả, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược; phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm với đơn vị đầu mối; đối với những nhiệm vụ cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị…
Phó Viện trưởng Viện Khoa học ngân hàng Nguyễn Thị Hòa giới thiệu Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng |
Trong các nội dung triển khai, lãnh đạo NHNN lưu ý các đơn vị về vấn đề triển khai hoạt động ngân hàng số, vì đây là tương lai tất yếu của hoạt động ngân hàng. NHNN chỉ đạo khuyến khích các TCTD một mặt hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) triển khai các ứng dụng mạnh, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo nên nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và chính bản thân ngân hàng.
“Việc phát triển ngân hàng số không chỉ có thuận lợi mà cũng có nhiều thách thức trong đó có việc phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, kiểm soát đúng định hướng các hoạt động thanh toán, bảo đảm tăng trưởng nhanh, cũng gắn liền với an toàn hiệu quả”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh lưu ý.
Theo phân tích tại hội nghị của bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học ngân hàng, cần lưu ý 5 yếu tố có tác động mạnh tới Chiến lược nói trên của ngành Ngân hàng bao gồm: toàn cầu hóa, hình thành một thế giới đa cực, sự phát triển của khoa học công nghệ, tăng trưởng của các hình thức tài chính toàn diện, phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. “Tuy nhiên cơ cấu dân số vàng cũng nên được coi là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Ngân hàng trong những năm sắp đến”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.