Chủ nhật 22/12/2024 22:16
Bộ Công Thương chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Đẩy mạnh chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển thương mại nội địa

Đẩy mạnh phòng chống lãng phí, tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực sẽ tạo sự phát triển đột phá lĩnh vực thương mại nội địa.

Những chuyển biến tích cực về phát triển thương mại trong nước

Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, Việt Nam đã kết thúc năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 với nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện đáng kể, nhất là trong những năm cuối kỳ. Nhìn lại quá trình phát triển của lĩnh vực thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2020 và cho đến nay, có thể thấy cả những thành công đáng ghi nhận và những tồn tại cần khắc phục.

Hoạt động thương mại trong nước giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tiến bộ đáng kể, thể hiện vai trò dẫn dắt sản xuất phát triển, đời sống kinh tế của dân cư được cải thiện, sức mua và quy mô thị trường ngày càng lớn. Thị trường trong nướcđã duy trì được mức tăng trưởng ổn định, lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu tiêu dùng đa dạng và không ngừng tăng lên của sản xuất và đời sống xã hội.

Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển thương mại nội địa (Ảnh: Kim Ngân)

Cụ thể, thứ nhất, thương mại trong nước giữ vững được đà tăng trưởng ổn định, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP (chiếm trên 10% hàng năm), giải quyết công ăn việc làm (6-7 triệu lao động, tương đương 12% tổng lao động xã hội) và bảo đảm an sinh xã hội, trở thành một trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế;

Thứ hai, thị trường trong nước thay đổi tích cực theo hướng ngày càng mở cửa, môi trường kinh doanh được cải thiện, vận động theo hướng ngày càng cạnh tranh, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường, xuất hiện nhiều hình thức phân phối hiện đại, văn minh, tạo ra tác động lan tỏa tốt, cải thiện mô hình kinh doanh, năng suất của các doanh nghiệp trong nước;

Thứ ba, bên cạnh mở cửa thị trường dịch vụ phân phối để thu hút đầu tư nước ngoài, từ sức mạnh nội lực, thương mại trong nước đã từng bước phát triển và hiện đại hóa, đa dạng hóa các hệ thống phân phối;

Thứ tư, cấu trúc thị trường ngày càng hiện đại, chủ thể tham gia thị trường đa dạng, hệ thống phân phối theo chuỗi đã từng bước hình thành; liên kết giữa các doanh nghiệp được xây dựng, củng cố, vận hành phù hợp với nền kinh tế thị trường;

Thứ năm, đã phát triển được các thương hiệu phân phối trong nước đủ khả năng để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, xây dựng được các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt và các chuỗi phân phối sản phẩm thuần Việt;

Thứ sáu, đáng lưu ý là các hoạt động thương mại trong nước đã từng bước được hiện đại hóa với sự dịch chuyển mạnh mẽ của thương mại điện tử với sự hỗ trợ của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và sự phát triển của hệ thống điện thoại thông minh;

Thứ bảy, hạ tầng thương mại phát triển nhanh, cả ở khu vực đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và cả các địa bàn có điều kiện khó khăn, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại), từng bước tạo lập kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại;

Thứ tám, chất lượng nguồn nhân lực cho thương mại trong nước được cải thiện, thu nhập tăng mạnh mẽ, thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động thương mại có sự gia tăng;

Thứ chín, quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước từng bước được củng cố, kiện toàn, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thị trường. Công tác điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường đã và đang được đổi mới phù hợp.

Đâu là rào cản?

Bên cạnh những thành quả, thời gian qua, thương mại trong nước có sự phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, tăng trưởng còn theo chiều rộng, chủ yếu là tăng về quy mô doanh thu. Trong quá trình lưu thông hàng hóa vẫn còn nhiều khâu, nấc trung gian, chi phí lưu thông hàng hóa cao khiến giá trị gia tăng trong thương mại còn thấp, dẫn đến chất lượng tăng trưởng chưa cao.

Cung cầu hàng hóa tuy được bảo đảm nhưng còn thiếu tính bền vững, liên kết theo chuỗi còn lỏng lẻo và chậm phát triển. Số lượng doanh nghiệp thương mại nội địa có quy mô lớn với mô hình kinh doanh hiện đại, phương thức kinh doanh tiên tiến... còn ít.

Song song với đó, hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh...) ở một số địa phương phát triển chưa đồng đều và thiếu tính bền vững, tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị. Ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ thưa thớt, cơ sở vật chất kỹ thuật còn sơ sài, lạc hậu, siêu thị, trung tâm thương mại còn ít…

Phương thức kinh doanh thương mại mang tính hiện đại và hội nhập cao như thương mại điện tử, các giao dịch số hóa, mua bán trên mạng... tuy đã được tổ chức quản lý nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn, thất thoát thông tin, dữ liệu, trình độ công nghệ chưa bắt kịp với yêu cầu phát triển. Công tác bảo đảm trật tự thị trường tuy đã được tăng cường, nhưng một số nơi vẫn còn xuất hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Vụ Thị trường trong nước là do quan điểm, nhận thức chung về vị trí, vai trò của hoạt động thương mại trong nước đối với nền kinh tế chưa đầy đủ và sâu sắc. Vai trò của thương mại trong nước trong nền kinh tế vẫn chưa được đánh giá đúng mức khi hoạch định các chính sách phát triển cũng như quá trình điều hành các lĩnh vực của nền kinh tế. Vẫn tồn tại quan niệm thương mại chỉ là khâu trung gian, không tạo ra sản phẩm hàng hoá, do đó không cần khuyến khích, ưu đãi tác động đến tư duy và hành động của nhiều cấp quản lý, kìm hãm sự phát triển của thương mại trong nước.

Bên cạnh đó, khung chính sách trực tiếp điều chỉnh hoặc có liên quan các hoạt động thương mại trong cơ chế thị trường hiện vẫn chưa được sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với xu thế, hoàn cảnh mới, đồng bộ với các luật chuyên ngành khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Dân sự… đã được sửa đổi. Phần lớn các quy định, chính sách phát triển thương mại trong nước, nhất là các chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại, mang tính khuyến khích, định hướng mà không có giá trị thực thi bắt buộc cũng như thiếu nguồn lực để triển khai… Công tác quản lý nhà nước về thương mại xét trong một chỉnh thể từ quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển đến tổ chức và quản lý kinh doanh bị phân tán, làm cho hiệu quả quản lý nhà nước bị hạn chế, lãng phí các nguồn lực.

Về nguyên nhân khách quan, năng lực sản xuất của nước ta có xuất phát điểm thấp, về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chi phí thương mại, chi phí tuân thủ pháp luật trong thương mại còn ở mức cao. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, xung đột địa - chính trị tại các khu vực và chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, thương mại trong nước xuất hiện ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng. Thiên tai, tình hình dịch bệnh, những thay đổi cực đoan của khí hậu trong nhiều năm qua với xu hướng ngày càng tăng có sự ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế và kinh doanh thương mại trong nước. Tình trạng mất mùa, thất thu trong hoạt động nuôi trồng, sản xuất do bão lũ, hạn hán gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, bà con nông dân và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên thị trường.

Tìm giải pháp phát triển thương mại nội địa bền vững

Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới mà bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, các xung đột giữa các nền kinh tế lớn trong các vấn đề về kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh đang diễn ra với nhiều chiều hướng khác nhau. Do đó, việc khắc phục các điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, tận dụng thời cơ nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới, đột phá mới để lĩnh vực thương mại trong nước bứt tốc và phát triển các năm tới có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng.

Vụ Thị trường trong nước thông tin, trong thời gian tới, cần tập trung một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tăng cường giáo dục nhận thức về phòng, chống lãng phí trong hoạt động quản lý, kinh doanh lĩnh vực thương mại trong nước: đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống lãng phí, nâng cao ý thức tiết kiệm các nguồn lực xã hội cho mọi đối tượng bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân, các chủ thể tham gia kinh doanh trong lĩnh vực thương mại trong nước.

Rà soát và đồng bộ hoá chính sách về phát triển thương mại trong nước: rà soát, loại bỏ các quy định chồng chéo, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đặc biệt, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý, các quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động thương mại trong nước theo hướng đồng bộ, tương thích với các luật, quy phạm pháp luật chuyên ngành khác đã được sửa đổi, đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo thêm thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ thương mại trong nước: nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác công - tư.

Phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thương mại trong nước: tăng cường đào tạo nhân lực có trình độ cao về quản trị, kinh doanh và ứng dụng công nghệ, đi đôi với đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu cho lao động của ngành, tạo sự chủ động về nguồn nhân lực phù hợp cho ngành trong bối cảnh mới.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ lĩnh vực thương mại trong nước: khuyến khích chuyển đổi số, phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ số để gia tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí trong hoạt động kinh doanh, quản lý và khai thác các nguồn lực.

Hoàn thiện và thực thi hiệu quả cơ chế giám sát: rà soát, hoàn thiện các cơ chế giám sát phù hợp, hiệu quả đối với việc sử dụng các nguồn lực bao gồm tài nguyên, tài chính và lao động đối với lĩnh vực thương mại trong nước.

Trong kỷ nguyên mới, lĩnh vực thương mại trong nước đang đứng trước những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Việc phòng chống lãng phí, tháo gỡ điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực không chỉ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, mà còn đánh dấu bước chuyển mình đột phá của nền kinh tế quốc gia.

Lan Phương
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường trong nước

Tin cùng chuyên mục

Thị trường hàng hóa hôm nay 20/12: Giá bạc rơi khỏi mốc 30 USD/ounce

Nhìn lại năm 2024, liệu ngành thép đã tìm được cơ hội bứt phá?

Thị trường hàng hóa hôm nay 19/12: Giá ca cao lập đỉnh lịch sử mới

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết

TP. Hồ Chí Minh: Chợ kẹo bánh Bình Tây nhộp nhịp dịp cuối năm

Thị trường hàng hóa hôm nay 18/12: Giá đậu tương giảm phiên thứ ba liên tiếp

Đồ trang trí Giáng sinh 2024: Sản phẩm 'xanh' chiếm sóng thị trường

Thị trường hàng hóa hôm nay 17/12: Giá cà phê Arabica tăng 2,47%

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/12: Giá ca cao tăng vọt tuần thứ 5 liên tiếp

Ngành bán lẻ trước cột mốc 200 tỷ USD: Miếng bánh có dễ 'ăn'?

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thị trường hàng hoá duy trì bình ổn, không để thiếu hàng cho dịp Tết Ất Tỵ

Xu hướng lựa chọn giỏ quà Tết năm nay

Nguồn cung hàng hóa sẵn sàng, doanh nghiệp tăng 30% sản lượng hàng Tết so với năm 2024

Thị trường hàng hóa hôm nay 13/12: Giá ngô suy yếu, giá đậu tương đi ngang

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Thị trường hàng hóa hôm nay 12/12: Giá bạc neo tại vùng đỉnh một tháng

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép phân phối rượu của Công ty TNHH Nam Dương Invest

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường đồ trang trí ảm đạm trước thềm Giáng sinh

Thị trường hàng hóa hôm nay 11/12: Giá cà phê Arabica chạm mức cao nhất khi tiến sát mốc 7.400 USD/tấn