Chủ nhật 24/11/2024 03:55

Đầu tư vào khu công nghiệp Bắc Ninh - Mạch nguồn chảy mãi

Những ngày cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Bắc Ninh đều nhộn nhịp thi công, xây dựng hoặc “chạy nước rút” các hạng mục để hoàn thành chỉ tiêu sản xuất năm. Chứng kiến không khí khẩn trương này, chúng tôi cảm nhận được một mùa xuân mới với thắng lợi mới đang đến rất gần trên quê hương quan họ.

Dòng vốn FDI chảy mạnh vào KCN

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Những ngày này nơi đây nhộn nhịp xe tải, xe đầu kéo ra vào nhập xuất hàng. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Trưởng - Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn tại Bắc Ninh (SAIGONTEL) cho biết, năm 2006, UBND tỉnh Bắc Ninh giao SAIGONTEL làm chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn với diện tích quy hoạch giai đoạn 1 sau khi điều chỉnh là 286,82 ha.

KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn đã thu hút 232 dự án

“Trước đây, nơi đây hoàn toàn là đường đất, cỏ dại mọc um tùm…” - ông Nguyễn Quốc Trưởng nhớ lại và cho hay, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban quản lý các KCN tỉnh cùng với sự cố gắng, kiên trì của chủ đầu tư thì đến năm 2011, hình hài của một KCN đã bắt đầu hiện lên với các hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước. Đến năm 2014, KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn đã hoàn thành xong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ngay sau đó đã đón được khoảng 50 DN vào đầu tư.

Đến nay, KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn có 232 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký là 658,58 triệu USD, trong đó FDI là 407,5 triệu USD, trong nước là 5.775 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nơi đây có 173 DN đang hoạt động; giải quyết công ăn việc làm cho 18.135 nghìn lao động. Đặc biệt, năm 2018, doanh thu các DN ở KCN này ước đạt 6.970 tỷ đồng, tăng 116% so với năm 2017, xuất khẩu ước đạt 132 triệu USD, tăng 134% so với năm 2017, nộp ngân sách ước đạt 650 tỷ đồng, tăng 110% so với năm 2017.

Đáng chú ý hơn, DN nước ngoài chiếm khoảng 66% tổng số DN, chủ yếu là DN Hàn Quốc, Nhật Bản với trung bình mỗi dự án đầu tư từ 4 - 5 triệu USD. Trong đó, năm 2018, Tập đoàn Seojin (Hàn Quốc) đã đầu tư vào KCN trên diện tích hơn 13ha, với mức đầu tư khoảng 120 triệu USD. “Để đáp ứng nhu cầu của DN, trong năm 2019, KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn sẽ mở rộng thêm 96ha và hiện nay chủ đầu tư đang tiến hành triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng” - ông Nguyễn Quốc Trưởng nói.

Cùng với KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn, “sóng” đầu tư từ nhiều tập đoàn lớn, có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước cũng dồn sức về các KCN Tiên Sơn, Quế Võ, Vsip... của Bắc Ninh. Ông Nguyễn Đức Long - Phó Trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh - chia sẻ, tính hết tháng 11/2018, Bắc Ninh có 16 KCN được Thủ tướng phê duyệt với tổng diện tích quy hoạch là 6.397ha. Trong đó, có 10 KCN đã đi vào hoạt động. Ban quản lý các KCN đã cấp 1.313 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 874 dự án FDI và 439 dự án trong nước. Tổng vốn đầu tư đạt 17,7 tỷ USD, trong đó FDI là 15,6 tỷ USD. Hiện nay có 915 DN đang hoạt động sản xuất trong các KCN.

“Dự kiến năm 2018, các DN KCN sẽ tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.100.000 tỷ đồng, xuất khẩu ước đạt 32 tỷ USD, nộp ngân sách đạt 11.000 tỷ đồng (chiếm trên 40% tổng thu ngân sách cả tỉnh) và tạo việc làm cho 284.693 lao động trong các KCN” - ông Nguyễn Đức Long nói và nhấn mạnh, hàng chục năm qua như mạch nguồn chảy mãi, các KCN Bắc Ninh luôn là điểm sáng về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Sự phát triển của các KCN Bắc Ninh góp phần giúp tỉnh giữ vững tốc độ tăng trưởng GDP ở top đầu cả nước

Theo ông Nguyễn Đức Long, kết quả thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh trong thời gian qua là minh chứng rõ nét, khẳng định môi trường đầu tư thông thoáng, hiện đại, đồng thời xây dựng được hình ảnh đặc trưng của mỗi KCN, kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh khác, tạo sức mạnh lan tỏa… Sự phát triển của các KCN là tiền đề quan trọng giúp tỉnh giữ vững nhịp độ tăng trưởng với GDP luôn ở trong top đầu cả nước, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững của các KCN, trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Cụ thể, duy trì hoạt động hiệu quả của bộ phận “một cửa” tại Trung tâm hành chính công tỉnh; duy trì vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các KCN.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hình thức và xác định lĩnh vực mũi nhọn để thực hiện xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, thực hiện tốt việc nắm bắt tình hình và hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của các DN KCN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh một cách kịp thời, nhanh chóng. “Quan điểm của Ban quản lý là luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện tốt nhất có thể, coi sự thành công của DN là thành công của chính mình” - ông Nguyễn Đức Long khẳng định.

Trước vấn đề này, bà Vũ Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, các KCN Bắc Ninh được đầu tư đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của công nghiệp. Bên cạnh đó, việc quy hoạch và xây dựng các KCN hợp lý kết hợp với công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết một cách chặt chẽ, đúng bài bản đã góp phần vào thành công trong việc thu hút đầu tư vào các KCN.

Ông Nguyễn Đức Long - Phó trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh: Sự phát triển của các KCN là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, đồng thời đưa nền kinh tế của tỉnh tham gia hội nhập vào nền kinh tế quốc tế.
Quỳnh Nga - Thanh Tâm

Tin cùng chuyên mục

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu

Quảng Ninh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp 39,4ha ở tỉnh Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?

Triển lãm tranh, ảnh, tư liệu tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa tại Thanh Hóa

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh

Sắp diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Cần Thơ năm 2024

Tham vấn ý kiến dự thảo Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Gia Lai: Mới lạ mô hình trồng dâu tây treo tường của chàng kỹ sư công nghệ thông tin

Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Bình Dương

Nhân sự phía Nam: Điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt 5 tỉnh, thành phố

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Thái Bình hướng đến mục tiêu 95% người dân hiểu về tác hại của rượu bia

Lào Cai: Nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Lào Cai: Quyết liệt đẩy mạnh thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Quảng Ninh: Tập trung thúc đẩy đầu tư công, tạo nguồn lực cho phát triển

Thanh Hóa thu ngân sách năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ

Hội thảo quốc tế Kết nối công nghệ Đà Nẵng - Australia

Lào Cai: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ đề nghị xét công nhận nông thôn mới năm 2024