Đầu tư vào Chợ nông thôn: Khuyến khích các thành phần kinh tế
Hiện nay, số xã có chợ đạt chuẩn còn tương đối ít
- Tỷ lệ đạt vẫn thấp
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau hơn 3 năm triển khai tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, đến nay, nguồn vốn huy động đầu tư, cải tạo, xây dựng mới chợ nông thôn đạt khoảng 2.783 tỷ đồng, chủ yếu là vốn xã hội hóa. Các tỉnh, thành phố có đầu tư lớn về chợ như: Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai… có tổng vốn đầu tư khoảng 1.839 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa khoảng 1.457 tỷ đồng, chiếm 79% tổng kinh phí đầu tư cho chợ nông thôn. Riêng TP. Hồ Chí Minh hiện có 24 hợp tác xã thuộc 9 quận, huyện tham gia đầu tư, khai thác quản lý và kinh doanh 32 chợ loại 2 và 3.
Các tỉnh, thành phố cũng đã có quy hoạch tổng thể về hệ thống thương mại, chợ trong toàn tỉnh, chủ động kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ. Bên cạnh đó, các địa phương đã có các dự án đào tạo cho hộ kinh doanh, cán bộ quản lý chợ và hỗ trợ xây dựng cải tạo chợ nhằm khuyến khích đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, qua đó, người dân đã hiểu hơn về lợi ích của chương trình xây dựng nông thôn mới đối với đời sống người dân nông thôn.
Hiện cả nước có 1.836/9.068 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn, chiếm 20,2%, tăng so với năm 2012 là 309 xã. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, số xã đạt chuẩn tại mỗi vùng miền còn tương đối thấp. Tỷ lệ chợ đạt tiêu chuẩn ở một số vùng còn có xu hướng giảm do chợ trung tâm ở các xã đã xuống cấp, chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng các hạng mục như: gian hàng, xử lý rác thải, chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy…
Để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ, trên cơ sở chính sách chung của nhà nước, UBND cấp tỉnh cần cụ thể hóa thành chính sách của địa phương nhằm khuyến kích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn nông thôn. |
Chưa quan tâm đúng mức
Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù tiêu chí chợ nông thôn đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan, song vẫn chưa được như kỳ vọng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho đầu tư chợ nông thôn còn hạn chế, trong khi đó, nguồn vốn về đến địa phương chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; chợ chủ yếu phục vụ dân sinh, diện tích nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, mật độ dân cư thấp, sức mua yếu, hiệu quả đầu tư kinh doanh khai thác chưa cao. Điều này dẫn đến việc thu hồi vốn đầu tư xây dựng chợ của các thành phần kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng chợ chưa đồng bộ, chưa triệt để trong công tác giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Mô hình thiết kế chợ chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng một số chợ được đầu tư xây dựng nhưng không đạt chuẩn hoặc chợ hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt tại một số nơi, chợ xây xong nhưng không có người đến họp chợ…
Bộ Công Thương cho rằng, để tiêu chí chợ nông thôn trong chương trình nông thôn mới tiếp tục triển khai có hiệu quả, cần triển khai các giải pháp như: rà soát điều chỉnh, bổ sung để chợ nằm trong quy hoạch xã nông thôn mới phù hợp với quy hoạch phát triển chợ tổng thể của địa phương; ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách hàng năm, cần lồng ghép dự án đầu tư chợ với các chương trình, dự án khác nhằm tăng thêm nguồn lực cho phát triển chợ nông thôn, trong đó gắn tiêu chí chợ nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thanh Hải