Đầu tư cho công nghiệp vi mạch bán dẫn: Còn nhiều vướng mắc
Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà (giữa) tặng kỷ niệm chương cho một số doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn
- Ông Kai Fai - Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI) khu vực Đông Nam Á - cho biết: Ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hầu hết các ngành công nghiệp khác, từ công nghệ thông tin, cơ khí, tự động hóa… Đây cũng là ngành mang lại lợi nhuận lớn, doanh số của ngành này trên thế giới đạt khoảng 270 tỷ USD/năm, trong đó thị trường châu Á đạt khoảng 120 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 18,5%.
Ông Phạm Bá Tuân - Chuyên gia cao cấp của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) - nhấn mạnh, các dự án vi mạch thường có suất đầu tư lớn nên doanh nghiệp cần phân kỳ đầu tư khoa học, sản phẩm làm ra phải phù hợp với nhiều ngành và xu hướng công nghệ không thay đổi trong nhiều năm để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Đến nay, CNS đang hoàn tất thủ tục đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất vi mạch tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh. Theo dự kiến, nhà máy sẽ hoạt động vào năm 2017, công suất khoảng 60.000 wafer/ năm, tương đương 1,5 tỷ chip/năm với các sản phẩm chip RFID, thẻ thông minh, chip quản lý năng lượng, các dòng vi điều khiển 8,16 và 32 bit...
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICD REC: Các ưu đãi về tiền thuê đất, thuế và hỗ trợ tín dụng là chưa đủ, bởi những dự án trong lĩnh vực này có yêu cầu rất cao về nguồn điện ổn định, nguồn nước sạch, an toàn... nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Tháng 8/2014, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICD REC) thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã công bố sản xuất thành công hệ thống giám sát container (CTS-01), một dạng ứng dụng chíp thông minh trong lĩnh vực quản lý vận tải. Theo ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICD REC, tuy đã nghiên cứu thành công, nhưng trung tâm phải mang ra nước ngoài để sản xuất, vì thế trung tâm đã có kế hoạch đầu tư nhà máy lắp ráp các loại chip do trung tâm nghiên cứu thay vì phải dựa vào doanh nghiệp ở nước ngoài.
Ông Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh (SHTP) - khẳng định, SHTP đang vận dụng khá linh hoạt các cơ chế, chính sách theo quy định hiện hành để hỗ trợ các dự án vi mạch bán dẫn; trong đó có chương trình cho vay kích cầu của thành phố và chương trình của Chính phủ hỗ trợ dự án công nghệ cao. Tuy nhiên các cơ chế, chính sách trên chưa chưa thu hút được các dự án đầu tư vào lĩnh vực này.
“Mức đầu tư cho một nhà máy vi mạch nhỏ cũng khoảng 200 triệu USD, tương đương 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu nhận được sự hỗ trợ từ chương trình kích cầu thì không quá 100 tỷ đồng, như vậy khó khuyến khích được nhà đầu tư” - ông Quốc phân tích.
Cùng với đó là vướng mắc về nguồn nhân lực, theo ông Ngô Đức Hoàng, tại TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 20 công ty đầu tư vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch đang có nhu cầu nhân lực khá lớn. Mỗi năm các công ty này cần tuyển đến hơn 1.000 kỹ sư vi mạch, tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực ở các trường đại học gần như không có.
Dù TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực cải thiện những vấn đề này, nhưng các nhà đầu tư ngoại vẫn còn khá dè dặt. Theo đại diện của Tập đoàn Microchip Technology Inc - tập đoàn mong muốn đầu tư dài hạn nên rất quan tâm đến nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng sản xuất tốt và chính sách ổn định.
Lê Khôi