Tổng Công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp (MIE) được thành lập theo Quyết định số 155/HĐBT ngày 12/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo các sản phẩm cơ khí, dây chuyền thiết bị toàn bộ, xây dựng lắp đặt các công trình công nghiệp; dịch vụ, tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp. Ngày 20/1/2017 Tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Với năng lực kinh nghiệm và bề dày truyền thống trong lĩnh vực cơ khí, Tổng Công ty đã sản xuất và cung cấp nhiều mặt hàng có thương hiệu lâu năm trên thị trường cơ khí như HAMECO, COHAF, A47, Caric… Bên cạnh đó, MIE không chỉ tham gia với vai trò là tổng thầu EPC cung cấp sản phẩm cơ khí cho nhiều công trình công nghiệp trong nước mà còn đóng vai trò làm thầu phụ chế tạo cho các dự án ở Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Campuchia…
Năng lực được chứng minh qua hàng loạt dự án thành công đã giúp MIE được lựa chọn là nhà thầu thi công Dự án nhà máy điện mặt trời Sê San 4. Dự án được xây dựng tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum - khu vực có tiềm năng lớn về điện mặt trời, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 937 tỷ đồng. Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Điện 2.
Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 |
Đây là dự án do Liên danh nhà thầu HUAYUAN (Trung Quốc) và Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp - CTCP (MIE) thực hiện theo hình thức Hợp đồng EPC.
Dự án sử dụng nguồn vốn tự có của EVN là 20% và vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp AFD là 80% tương ứng (24,2 triệu EUR), đủ 100% vốn để giải ngân cho gói thầu EPC này. Gói thầu EPC là gói thầu chính của dự án bao gồm: Thi công xây lắp, cung cấp vật tư nhà máy, mở rộng sân phân phối 220kV và bảo trì nhà máy trong vòng 1 năm kể từ ngày ban hành chứng nhận hoàn thành. Nhà thầu có trách nhiệm đào tạo và chuyển giao công nghệ cho chủ đầu tư trong thời gian vận hành và bảo trì.
Thực tế, theo đánh giá của EVN, quá trình thực hiện dự án đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới đã gây ra nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm nỗ lực của nhà thầu, sự phối hợp hỗ trợ của chủ đầu tư và các bên liên quan, các khó khăn,vướng mắc đã từng bước được khắc phục. Tiến độ dự án bám sát theo tiến độ trong hợp đồng đã ký.
Đến cuối tháng 9/2020, công tác thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng đã cơ bản hoàn thành, bao gồm các công việc chính như lắp đặt hệ thống Pin quang điện, các trạm inverter hợp bộ, máy biến áp chính, thiết bị sân phân phối 220 kV và hệ thống điều khiển giám sát, đủ điều kiện để cho việc thử nghiệm đóng điện và phát điện nhà máy.
Tuy nhiên, tình hình mưa lũ diễn ra vô cùng phức tạp ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cả nước nói chung và EVN nói riêng phải tập trung lực lượng ứng phó lũ lụt và phải ưu tiên phát điện các nhà máy thủy điện để giảm mực nước hồ nhằm về mực nước phòng lũ. Vì vậy, Dự án nhà máy điện mặt trời Sê San 4 lại phải điều chỉnh thời điểm đóng điện để ưu tiên cho Thủy điện Sê San 4 và các nhà máy thủy điện ở bậc thang trên chạy máy xả nước và phát điện.
Công tác lắp đặt tấm Pin trên Công trường Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 |
Dự án nhà máy điện mặt trời Sê San 4 là một trong số ít các dự án tại Việt Nam do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ vốn không có sự bão lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên, dự án đã tổ chức triển khai thi công bám sát theo Hợp đồng đã ký và được AFD kiểm tra hiện trường ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng, tiến độ, sự tuân thủ về các điều kiện an toàn, môi trường và xã hội do AFD yêu cầu. Đây là thành công rất lớn đối với dự án khi thực hiện nghiêm túc các yêu cầu khắt khe về chất lượng, môi trường và xã hội theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế.
Dự án không những giúp giải một phần mối lo cho hệ thống điện mà còn tiếp tục khẳng định việc phát triển năng lượng tái tạo là quyết sách đúng đắn, tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.