Dấu ấn 20 năm thực thi Luật Điện lực - Bài 1: Những nỗ lực của Bộ Công Thương
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Ngay sau khi Luật Điện lực được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 3 tháng 12 năm 2004, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2018, 2022), Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp nhằm đưa Luật áp dụng vào thực tế. Trong đó, tập trung vào công tác phổ biến, tuyên truyền, theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật.
Cụ thể, về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành các hoạt động bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; đăng tải bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Công Thương thực hiện công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận đối với xã hội và người dân về quy hoạch và chính sách đầu tư phát triển điện lực, chính sách điều hành giá điện của Chính phủ và Bộ Công Thương; cung cấp thông tin về tình hình cung cấp điện các năm; tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả,...; cung cấp thông tin và giải đáp các ý kiến theo quy định của pháp luật về điện lực phục vụ công tác truyền thông tại các kỳ họp Quốc hội.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động trong công tác đào tạo, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ quy định pháp luật về điện lực, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng để các doanh nghiệp phát triển hoạt động điện lực trên cơ sở quy định pháp luật.
Hàng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về điện lực, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật điện, trong đó có các khóa đào tạo, bồi dưỡng để cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực và thẻ An toàn điện…cho các lãnh đạo, cán bộ, công chức thuộc Sở Công Thương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ngành điện.
Nội dung phổ biến tập trung vào hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, các nội dung cơ bản của Luật Điện lực, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, các quy định về thị trường điện, giá điện, hệ thống điện, cấp phép hoạt động điện lực, kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện và an toàn điện.
Làm tốt công tác tham mưu
Bên cạnh công tác tuyên truyền, trong quá trình triển khai Luật, Bộ Công Thương đã làm tốt công tác tham mưu về các vấn đề pháp lý, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật
Hàng năm, Bộ Công Thương đã chủ động theo dõi, kịp thời phát hiện và tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, các đơn vị điện lực, các tổ chức, cá nhân sử dụng điện; hướng dẫn khắc phục, giải đáp vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thi hành Luật bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua các lớp tập huấn, trả lời bằng văn bản, trả lời qua điện thoại, email để giải đáp thắc mắc và hướng dẫn áp dụng các quy định pháp luật trong lĩnh vực điện lực; Bộ cũng kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong thực tế, tạo khung pháp lý chuẩn mực cho hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các thủ tục điện lực, cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian…trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Công Thương đã rà soát và bãi bỏ 47 thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy phép hoạt động điện lực, 02 thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp thẻ kiểm tra viên điện lực, 01 thủ tục hành chính miễn trừ thực hiện nghiên cứu phụ tải, 01 thủ tục hành chính đăng ký tham gia thị trường điện.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo tách bạch nhiệm vụ an sinh xã hội và các nhiệm vụ kinh doanh khác, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn; quy định đặc thù đối với dự án đầu tư công trình điện quan trọng quốc gia…
Thực hiện đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự phát triển thực tế của ngành năng lượng trong thời gian gần đây (có nhiều sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân, nước ngoài; năng lượng tái tạo phát triển) để có các cơ chế, chính sách thúc đẩy phù hợp. Đồng thời, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ lưỡng và huy động sự tham gia rộng rãi của các địa phương, các nhà khoa học và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật để các điều luật đi vào thực tiễn, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, tính thống nhất, đồng bộ của Luật Điện lực với các Luật khác.
Sau 20 năm thực thi Luật Điện lực, hệ thống điện Việt Nam phát triển đồng bộ, hiện đại (Ảnh minh hoạ) |
Tăng cường kiểm tra việc thực thi
Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực điện lực đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện lực và đối với các Sở Công Thương và giao cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện. Đối với hình thức theo dõi thi hành pháp luật thường được thực hiện bằng hai hình thức thu thập thông tin và kiểm tra thực tế.
Trong giai đoạn 2011 - 2022, Bộ Công Thương đã tổ chức thanh tra, kiểm tra thực tế tại 295 đơn vị, kịp thời phát hiện và yêu cầu một số đơn vị điện lực nghiêm túc khắc phục các tồn tại trong hoạt động điện lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn, phổ biến các quy định mới; đồng thời nắm bắt thực tế hoạt động của các đơn vị điện lực, các nội dung chưa được pháp luật quy định cụ thể, các nội dung không còn phù hợp với thực tế, cần thiết phải sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng các quy định trong quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác thanh tra, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật đã giúp cho Luật Điện lực (được sửa đổi năm 2012, năm 2018 và năm 2022) được thực thi nghiêm túc, phát huy tác dụng trên thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành điện để đáp ứng yêu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế - xã hội và nhân dân.
Chủ động hướng dẫn thi hành
Sau khi Luật Điện lực được Quốc hội ban hành, căn cứ quy định tại Điều 70 giao “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này”, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, đã có 184 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn thực hiện, trong đó có 9 Nghị định, 22 Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 153 Thông tư (bao gồm cả các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trước đây). Lĩnh vực điện lực là lĩnh vực mang tính kỹ thuật, cần có những hướng dẫn cụ thể bằng các văn bản dưới Luật đảm bảo sự hình thành và phát triển thị trường điện, cũng như vận hành hệ thống điện phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội. Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Điện lực thể hiện sự phân công, phân cấp trong rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt trong việc hướng dẫn các nội dung mang tính kỹ thuật, còn nhiều biến động tại Luật Điện lực.
Trong đó, Chính phủ ban hành 9 Nghị định để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực như quy định các nội dung liên quan đến mua bán điện bao gồm: hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, thanh toán tiền điện, ngừng, giảm mức cung cấp điện, mua bán điện với nước ngoài...; quy định về giá điện; quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực; quy định về bảo vệ công trình lưới điện cao áp và quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực; trong đó có 05 Nghị định được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 được ban hành và đến nay có 5 Nghị định còn hiệu lực thi hành.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật quy định về các nội dung: Tiết kiệm điện (3 Quyết định và Chỉ thị); quy hoạch phát triển điện lực và cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo (9 Quyết định); thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương (2 Quyết định); lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam (2 Quyết định); giá điện và điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường (6 Quyết định). Trong đó có 14 văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 được ban hành và đến nay có 12 văn bản còn hiệu lực thi hành.
Ngoài ra các Bộ quản lý ngành theo chức năng, thẩm quyền được giao đã ban hành 153 văn bản quy phạm pháp luật (Thông tư, Quyết định). Trong đó, có 85 văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 được ban hành. Đến nay, có 75 văn bản còn hiệu lực thi hành, cụ thể như sau:
Bộ Công nghiệp/Bộ Công Thương ban hành là 143 văn bản bao gồm các Quyết định, Thông tư quy định các nội dung về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực (14 văn bản); tiết kiệm điện (02 văn bản); cấp giấy phép hoạt động điện lực (10 văn bản); giá điện và dịch vụ cung cấp điện theo hợp đồng có thời hạn (53 văn bản); an toàn điện, kỹ thuật điện và hệ thống điện (43 văn bản); quy định vận hành thị trường điện (10 văn bản); kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp và hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính (11 văn bản) và đến nay, có 71 văn bản còn hiệu lực thi hành.
Bộ Tài chính ban hành là 5 văn bản, đến nay có 2 văn bản còn hiệu lực thi hành quy định về: các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, hải đảo; thu phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Tổng số Thông tư liên tịch do các Bộ, ngành (bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tối cao) ban hành là 5 văn bản, trong đó có 2 văn bản được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 được ban hành. Đến nay, có 2 văn bản còn hiệu lực thi hành hướng dẫn về chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự; hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn.
Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương còn ban hành 63 Chỉ thị, Quyết định để điều hành, quản lý hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật định kỳ 6 tháng và hàng năm.
Theo đánh giá, các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ quản lý ngành ban hành theo thẩm quyền đã được ban hành kịp thời, đồng bộ để điều chỉnh tương đối toàn diện các vấn đề pháp lý về hoạt động điện lực và sử dụng điện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động điện lực và sử dụng điện, tạo lập được hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển điện lực nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Còn nữa...