Đánh thức Bát Xát
Khám phá Bát Xát
Mùa nước đổ, mùa lúa chín, khi mây giăng đầy sương mù phủ kín là những nét hấp dẫn của vùng Tây Bắc với du khách những năm gần đây. Khi ấy, 3.000ha ruộng bậc thang ở Bát Xát trải dài ở tất cả các xã, nổi bật là thung lũng Thề Pả ở 2 xã Y Tý và Ngải Thầu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia như tuyệt tác vĩ đại chứa đựng tinh thần hăng say lao động của đồng bào dân tộc Mông và Hà Nhì.
Lâu nay, Y Tý vẫn được biết đến là một xã vùng cao biên giới của Bát Xát. Ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, tựa lưng vào dãy núi Nhìu Cồ San bốn mùa ẩn khuất trong mây mù, với bạt ngàn rừng nguyên sinh độc đáo và những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh, gắn với những nếp nhà trình tường đầy bản sắc của tộc người Hà Nhì đen bản địa chính là tiềm năng sẵn có để Y Tý phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, những con đường quanh co, những ngôi nhà trình tường của bản làng người Hà Nhì và cả cánh rừng già nguyên sinh phủ đầy tuyết trắng. Khi đó, Y Tý như khoác lên mình chiếc áo mới lung linh, huyền ảo, không khí lãng mạn như trời châu Âu, thu hút du khách khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, thưởng lãm.
Ruộng bậc thang là "đặc sản" của Bát Xát |
Du khách đã từng tới đây ai nấy đều cảm thán: Bát Xát đẹp bốn mùa! Mùa xuân đầy sắc hoa đào, hoa mận; mùa hạ xanh như tấm thổ cẩm bởi những thửa ruộng bậc thang; mùa thu vàng ruộm với sự ấm no của mùa gặt; đông đến là mùa của biển mây bồng bềnh như tiên cảnh. Tất cả tạo nên sức mê hoặc kỳ lạ với bất kỳ ai khi đến với mảnh đất này.
Không chỉ nổi bật với nét đẹp vi diệu, men theo cung đường cua tròn gần 200km từ Bản Vược lên Mường Hum, Dền Sáng, Y Tý vòng về A Mú Sung du khách sẽ có một trải nghiệm rất khác nhưng đầy đủ nhất về miền biên viễn - mái nhà chung của 25 dân tộc anh em. Nơi đây đồng bào làm du lịch từ chính những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình để phục vụ sự hiếu kỳ của người đam mê khám phá. Theo lời kể của ông chủ homestay Y Tý ở thôn Choản Thèn, người Hà Nhì Y Tý có rất nhiều lễ hội đặc sắc như: Gạ ma O, Gà tho tho, khô già già... Đây là một trong những bản sắc văn hóa truyền thống từ nhiều đời xưa để lại. "Du khách tới đây sẽ được sống trong ngôi nhà đất của chúng tôi, được tìm hiểu những nét văn hóa và cuộc sống hàng ngày của chúng tôi, không đâu có được"- ông chủ chia sẻ đầy tự hào.
Tạo điểm nhấn du lịch
Đến nay, Bát Xát đã có vị trí trong bản đồ du lịch Lào Cai với các địa danh như: Cột cờ Lũng Pô - nơi sông Hồng chảy vào đất Việt, du lịch thể thao mạo hiểm chinh phục "nóc nhà" đỉnh Ky Quan San (xã Sàng Ma Sáo) và đỉnh Lảo Thẩn (xã Y Tý); bảo tồn và phát triển một số lễ hội truyền thống như lễ hội khô già già của Hà Nhì, lễ hội Róong Pọoc (lễ hội xuống đồng) của người Giáy, Tết cơm mới dân tộc Giáy, lễ cấp sắc của người Dao, lễ cúng rừng của các dân tộc…
Những ngôi nhà trình tường đầy bản sắc của tộc người Hà Nhì đen |
Cùng với du lịch khám phá, huyện Bát Xát cũng đầu tư các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe để khai thác nguồn thảo dược truyền thống sẵn có của đồng bào tại các xã Y Tý, Mường Hum.
Để du lịch phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, Bát Xát đã và đang cụ thể hóa bằng Đề án số 05 về "Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020-2025", quyết tâm đưa ngành "công nghiệp không khói" của huyện vùng cao biên giới Bát Xát cất cánh.
Hiện bên cạnh việc khai thác có hiệu quả những tiềm năng sẵn có, tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tạo điểm đến an toàn cho du khách, Bát Xát đang chú trọng việc khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận các tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn. Huyện cũng tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển các dịch vụ, tìm kiếm những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch.
Cùng với mục tiêu xây dựng Y Tý trở thành trung tâm du lịch mới của tỉnh Lào Cai, Bát Xát xây dựng và bước đầu đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng về điều kiện tự nhiên, sinh thái và tài nguyên nhân văn, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có. Từng bước đầu tư hạ tầng du lịch tại một số địa bàn trọng điểm với mục tiêu đến năm 2025, thu hút tổng lượng khách đến với Bát Xát khoảng 1,2 triệu lượt; tạo việc làm cho số lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực du lịch tại địa phương.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, Bát Xát đã đón khoảng 23.000 lượt khách du lịch với doanh thu ước đạt 1 tỷ đồng. Tiềm năng, lợi thế về du lịch của huyện Bát Xát đang được khẳng định.