Đăng ký xét tuyển đại học: Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Đó là lời khuyên của các chuyên gia giáo dục tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 20/7.
Thông tin tại ngày hội, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngay trong ngày đầu tiên “mở cổng” đăng ký đã có hơn 600.000 nguyện vọng đăng ký trên hệ thống. Điều này thể hiện thí sinh đã nắm rõ nhu cầu, thực lực của bản thân về ngành nghề, trường đào tạo mà mình mong muốn. Tuy nhiên, còn 10 ngày nữa để thí sinh cân nhắc kỹ để lựa chọn và sắp xếp các nguyện vọng
“Trong những ngày đầu tiên đã ghi nhận nhiều em xét rất nhiều nguyện vọng. Mặc dù không giới hạn nhưng thí sinh không nên đăng ký quá nhiều dễ gây bối rối, lãng phí. Phải có những phương án phù hợp với điểm số của mình” - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ đưa ra lời khuyên.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại ngày hội |
Ngược lại, các em cũng nên sớm nhập nguyện vọng đăng ký trên hệ thống, vì có thể điều chỉnh không nên để đến cuối thời gian mới thực hiện. Bên cạnh đó, những thí sinh đã có kết quả trúng tuyển sớm của các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống. Thí sinh cần bảo mật tài khoản truy cập vào Hệ thống. Nếu để lộ có thể sẽ bị người khác điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng xét tuyển của mình.
“Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Đề phòng rủi ro, các em nên chia nguyện vọng thành các nhóm: trường top đầu, top trung - phù hợp với năng lực của mình hơn. Qua đó, cơ hội trúng tuyển của các em sẽ cao hơn rất nhiều” - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ tư vấn.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cũng nhấn mạnh: “Các em cũng rất hay mắc lỗi là không kết thúc quy trình đăng ký, như vậy là chưa được xác nhận trên hệ thống. Cuối cùng là bảo mật thật tốt tài khoản để tránh có sự tác động của bên ngoài mà không phải do thí sinh thực hiện”.
Về quy tắc lọc ảo, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hệ thống sẽ chọn theo thứ tự ưu tiên và năng lực của thí sinh. “Thí sinh nào có điểm trúng tuyển cao hơn thì chắc chắn sẽ đỗ không phụ thuộc vào xếp vào nguyện vọng thứ mấy. Các em sẽ đỗ vào nguyện vọng duy nhất và cao nhất. Đối với hình thức xét tuyển sớm nếu học sinh đã được thông báo trúng tuyển thì chắc chắn sẽ đỗ ngay cả khi xếp nguyện vọng đó cuối cùng. Thứ tự nguyện vọng ưu tiên vô cùng quan trọng, vì các em sẽ trúng tuyển nguyện vọng duy nhất, cao nhất, được ưu tiên nhất” - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho hay.
Hoạt động tư vấn tuyển sinh của các trường đại học |
Thấu hiểu được những băn khoăn của phụ huynh và học sinh về việc ngành mình thích có khả năng đỗ không? Có khả năng trượt tất cả nguyện vọng hay không? PGS.TS. Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Ngoại thương đưa ra bí kíp đăng ký nguyện vọng.
Theo PGS.TS. Vũ Thị Hiền cần xác định 3 nhóm đó là: Nhóm 1 là ngành ước mơ, những nghề thực sự thích. Nhóm 2 là nhóm “vừa sức” gồm những nguyện vọng chưa chắc chắn đỗ và nguyện vọng xét tuyển sớm. Nhóm 3là nhóm nguyện vọng thấp để tránh rủi ro, có tỉ lệ trúng tuyển cao nhất. “Tuy nhiên, cần hiểu không nên sắp xếp nguyện vọng theo các thứ tự nhóm như trên mà chỉ lựa theo quy tắc ngành nào thích nhất xếp lên trước, không thích xếp sau” - PGS.TS. Vũ Thị Hiền cho hay.
Liên quan đến chứng chỉ IELTS, có thí sinh đặt câu hỏi, nếu chưa sử dụng chứng chỉ này cho việc trúng tuyển sớm thì bây giờ có thể sử dụng để xét tuyển? Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Vũ Thị Hiền cho biết, việc này sẽ tùy theo quy định của mỗi trường. Có trường vẫn có thể xét tuyển theo phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS với một tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, các trường có thể xét tuyển phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Với các tổ hợp có ngoại ngữ, các trường có thể sẽ cho phép thí sinh sử dụng chứng chỉ IELTS để quy đổi thay thế cho môn thi ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển có ngoại ngữ. Việc quy đổi sẽ tùy theo mỗi trường quy định.
PGS.TS Vũ Thị Hiền cho biết, sẽ có một số trường quy định ngưỡng điểm tốt nghiệp của các môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển mà thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển sớm (xét điểm học bạ THPT).
Ví dụ, Trường ĐH Ngoại thương ngưỡng điểm là 24. Trường hợp này, thí sinh cũng có thể sử dụng chứng chỉ IELTS thay thế điểm thi môn ngoại ngữ để có thể đạt ngưỡng quy định của trường.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa tư vấn tại ngày hội |
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) giải thích thêm, thí sinh có chứng chỉ IELTS cần xem kỹ đề án tuyển sinh của mỗi trường để biết chứng chỉ được sử dụng trong phương thức nào, cách quy đổi ra sao và thời điểm có thể sử dụng chứng chỉ.
Cũng tại buổi tư vấn, ông Vũ Duy Hải - Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa đã làm rõ sự khác biệt về chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao.
Chuyên gia cho biết đại trà là những chương trình các trường có truyền thống đào tạo. Đối với chương trình tiến tiến, chất lượng cao thêm các yếu tố ngôn ngữ, hướng đến đào tạo phục vụ thị trường lao động nhất định. Thứ 3 là chương trình hợp tác quốc tế với các nước. “Các chương trình này đều giống nhau về kiến thức khác nhau duy nhất là ngôn ngữ đào tạo” - ông Hải cho biết.
Cũng tại ngày hội, thí sinh đặt vấn đề, nếu trượt năm nay thì có được thi và xét tuyển năm 2025 không? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói: “Thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay vẫn có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Về nguyên tắc, thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Thí sinh cũng có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng vào năm sau. Tuy nhiên, có thể các trường sẽ dành ít chỉ tiêu hơn để xét tuyển với nhóm thí sinh này. Vì thế, các em sẽ ít lợi thế hơn so với việc tham gia xét tuyển năm nay”.