Đàm phán Hiệp định RCEP - Cơ hội phía trước
Ảnh Internet |
16 quốc gia thành viên đã đồng thuận giảm thuế đối với 65% mặt hàng, khoảng 8000-9000 danh mục hàng hóa, trong kế hoạch RCEP.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Apiradi Tantraporn nói rằng hiệp định đã đạt được sự đồng thuận trong phiên đàm phán thứ 10 tại Busan, Hàn Quốc diễn ra trong khoảng thời gian từ 12-16/10/2015. Nội dung đồng thuận sẽ được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng tới tại Kuala Lumpur, và sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2017.
Trong tổng số 35% mặt hàng không bao gồm trong thỏa thuận đầu tiên, các quốc gia thành viên RCEP được kỳ vọng sẽ dần cắt giảm thuế suất về mức 0% trong lộ trình 10 năm sau 2017 đối với 20% mặt hàng, trong khi đó sẽ cần có thêm nhiều cuộc đối thoại khác để đạt được thỏa thuận đối với 15% mặt hàng còn lại, mà phần lớn là các danh mục mặt hàng nhạy cảm.
Hiệp định RCEP được khởi động vào tháng 11 năm 2012 với mục đích thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu hơn giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, tập trung vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Nếu được ký kết, hiệp định sẽ tạo nên một khối kinh tế với tổng dân số 3,5 tỉ người và khối lượng thương mại trị giá 10,7 tỉ USD, chiếm gần 30% thương mại toàn cầu.
Trung Quốc được nhìn nhận là một trong nhân tố quan trọng thúc đẩy thương mại trong khu vực, và được xem như một lựa chọn ngang tầm với Hiệp định TPP dẫn đầu bởi Mỹ mà Trung Quốc không phải là quốc gia tham gia đàm phán. Trong Hiệp định RCEP, 7 quốc gia thành viên: Australia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore, Việt Nam và Brunei – đều là những quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định TPP.
Trong năm 2014, Thái Lan xuất khẩu hàng hóa trị giá 127 triệu USD đến các quốc gia RCEP, chiếm khoảng 56% giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm: ôtô và phụ tùng, hạt nhựa (platic pellets), hóa chất, máy tính và linh kiện, cao su và các sản phẩm cao su. Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm máy móc và phụ tùng, thép và các sản phẩm từ thép, dầu thô và vi mạch điện tử với giá trị khoảng 133 tỉ USD, chiếm 58% giá trị nhập khẩu.
Đầu tư trực tiếp từ các quốc gia RCEP trị giá 280 tỉ Baht trong năm 2014, chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Số liệu này cho thấy hơn một nửa thương mại và đầu tư của Thái Lan dựa vào thị trường của các quốc gia RCEP.
Bà Bộ trưởng Apriradi cho biết “So với Hiệp định TPP, Hiệp định RCEP thực sự hấp dẫn hơn, bởi Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia thành viên với dân số mỗi nước hơn 1 tỉ người”. Bà cũng nói thêm “Mặc dù Thái Lan chưa tham gia đàm phán Hiệp định TPP, tầm ảnh hưởng chưa rõ ràng khi nội dung chi tiết vẫn chưa được tiết lộ”.
Thái Lan chưa đưa ra quyết định liệu sẽ tham gia đàm phán TPP. Tuy vậy, Thái Lan rất hào hứng về việc tham gia và đang nghiên cứu cái được và mất. Bộ Thương mại Thái Lan đã nghiên cứu tính khả thi về việc tham gia Hiệp định TPP, cụ thể liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ. Học viện Kỹ thuật Panyapiwat (PIM) được giao nghiên cứu ảnh hưởng của Hiệp định TPP đối với Thái Lan, đặc biệt đối với các vấn đề hiện đang tranh cãi như sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin và dược phẩm.
Bộ Thương mại sẽ tổ chức một cuộc họp hỗn hợp với các Bên liên quan, bao gồm cả khối công và tư, nhằm đánh giá tầm ảnh hưởng của TPP.
Tuy nhiên, bà Apiradi chưa chỉ rõ khoảng thời gian cụ thể mà Thái Lan sẽ tham gia đàm phán TPP, và chỉ chia sẻ phải xem xét cẩn thận cái được và mất nhằm hạn chế các hiệu ứng không mong muốn.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhắc lại trong tuần trước về việc Thái Lan chưa đưa ra quyết định tham gia Hiệp định TPP, và vẫn còn khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm tới trước khi xem xét tham gia đàm phán Hiệp định TPP do các thành viên cần thời gian để thảo luận nội dung chi tiết.
Bà Apiradi chia sẻ “Nghiên cứu mới nhất là cần thiết bởi Hiệp định TPP đã thay đổi nội dung đơn cử như các vấn đề độc quyền dữ liệu về thuốc, giảm thời gian bảo hộ từ 12 đến 5-8 năm”. Ngoài ra, bà cho biết thêm “Các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan là cần thiết”.