Đảm bảo quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế an toàn, bền vững
Tại cuộc họp của Hội đồng quản lý (HĐQL) Bảo hiểm Xã hội quý IV năm 2022 mới đây, báo cáo cho biết, trong năm, các ủy viên Hội đồng Bảo hiểm xã hội đã tổ chức 3 đoàn giám sát tại 10 tỉnh, thành phố. Sau khi thực hiện giám sát, kiểm tra đã có các kết luận gửi về Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn. Hội đồng cũng thực hiện 2 cuộc làm việc với các đơn vị chuyên môn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Trong 11 tháng năm 2022, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội đã thực hiện nhiều nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định; hoàn thành tốt chương trình công tác theo Kế hoạch năm đề ra và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời chủ động bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội đã thông qua và có những kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế kịp thời, hiệu quả; kịp thời tháo gỡ những khó khăn để đảm bảo quyền lợi của người dân, các doanh nghiệp cùng ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, vượt qua nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, thay đổi chính sách, biến động thị trường lao động, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng, đạt nhiều mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Công tác thu, chi, đầu tư quỹ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện an toàn, hiệu quả, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, Nghị quyết của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội …
Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội đánh giá, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, có nhiều lĩnh vực được đẩy mạnh như công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Công tác thu, phát triển đối tượng, chi trả các chế độ cho người tham gia được bảo đảm. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Công tác đầu tư quỹ bảo đảm an toàn, hiệu quả theo quy định.
Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội cũng nhận định, còn không ít khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ của ngành thời gian tới. Thị trường lao động suy giảm, tình trạng thất nghiệp hiện đang có xu hướng gia tăng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhận bảo hiểm xã hội 1 lần vẫn tiếp diễn phức tạp, để lại nhiều hệ lụy, khiến nhiều người lao động không đủ điều kiện nhận lương hưu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội đánh giá, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là các chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước. Việc quản lý, đảm bảo hoạt động của các quỹ này là rất quan trọng, phải làm sao để quỹ luôn đảm bảo an toàn, bền vững, phát triển để quyền lợi của người tham gia ngày càng tốt hơn, góp phần đảm bảo an sinh, an ninh, trật tự xã hội. Vì vậy, vai trò của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là rất nặng nề. “Thời gian tới, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao và kế hoạch của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội đã ban hành”- ông Hồ Đức Phớc yêu cầu.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế việc làm là vấn đề rất quan trọng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần đặc biệt quan tâm, đào sâu nghiên cứu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để góp ý hoàn thiện, tạo thuận lợi trong triển khai, thực hiện thời gian tới, đáp ứng yêu cầu, thay đổi từ thực tiễn xã hội, thị trường lao động…
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phát triển người tham gia, nhất là phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đối với lĩnh vực đầu tư quỹ cần tiếp tục được cải thiện trên nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; nâng cao công tác quản lý công tác thu, chi, xử lý các tồn tại trong thẩm quyền; cần thực hiện công khai, đảm bảo sự minh bạch chính sách; xây dựng dự toán sát với tình hình thực tế và có báo cáo thường xuyên về Hội đồng quản lý để các thành viên theo dõi, nắm bắt.
Đối với thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh cần chủ động nghiên cứu và đưa ra các giải pháp giải quyết những tồn tại để xử lý sớm, tránh kéo dài; nội dung vượt thẩm quyền của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần báo cáo ngay các cơ quan có thẩm quyền Nhà nước. Về bộ máy quản lý của ngành cần tiếp tục kiện toàn, tinh gọn, nâng cao trình độ quản lý, năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế ngày càng tốt hơn.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đề nghị Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội thông qua Đề án Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đến năm 2030; Quyết toán tài chính năm 2021; Dự toán thu, chi năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025...