Đăk Nông vẫn còn lúng túng trong triển khai Nghị định 32 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
Theo số liệu từ Sở Công Thương /chu-de/tinh-dak-nong.topic, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cụm công nghiệp đã được thành lập theo quy định với diện tích quy hoạch chi tiết 149,61ha.
Trong đó, cụm công nghiệp Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, sau nhiều lần chủ đầu là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận - TP. Hồ Chí Minh chậm triển khai dự án, UBND tỉnh đã thu hồi và giao UBND huyện Tuy Đức quản lý.
Cụm công nghiệp Thuận An, huyện Đắk Mil với diện tích quy hoạch chi tiết 52,22 ha, hiện đã có 17 nhà đầu tư đăng ký triển khai dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 291,86 tỷ đồng và giải quyết được việc làm cho khoảng gần 250 lao động là lực lượng lao động tại địa phương.
Cụm công nghiệp BMC, huyện Đắk G’long đã được chủ đầu tư hoàn thành một số hạng mục. Ảnh (Phan Tuấn) |
Cụm công nghiệp BMC, huyện Đắk G’long có diện tích quy hoạch chi tiết 37,41 ha. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành một số hạng mục như: San lấp mặt bằng, kè mái xung quanh, đường giao thông nội bộ, nhà điều hành, nhà nghỉ cho cán bộ quản… Cụm đã thu hút 2 nhà đầu tư ký kết hợp đồng thuê đất với diện tích 3 ha để triển khai thực hiện dự án.
Cụm công nghiệp Krông Nô, huyện Krông Nô có diện tích quy hoạch chi tiết 25 ha. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp đã thực hiện được 21,85 ha.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương về công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn mới đây, đại diện Sở Công Thương Đăk Nông cho hay, trên địa bàn tỉnh có 3/4 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng; 1 cụm do Trung tâm Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp Thuận An làm chủ đầu tư.
Do là địa bàn khó khăn, Đăk Nông đã nhận được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong phát triển cụm công nghiệp, trong đó, hỗ trợ 6 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho cụm công nghiệp BMC
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương, việc thực thi chính sách mới, nhất là Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 32) đang khá lúng túng.
Cụ thể, đối với cụm công nghiệp được UBND tỉnh quyết định thành lập theo Nghị định 32 thì chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có cần phải lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 hay không?
Về phía địa phương, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị Quyết số 25/2023/NQ-HĐND quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Trong đó có quy định về hỗ trợ phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, cụ thể: Hỗ trợ 30% nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án, kinh phí đầu tư theo giá trị quyết toán dự án hoàn thành đối với hạng mục đường giao thông kết nối từ đường chính đến dự án; hỗ trợ 5% nhưng không quá 8 tỷ đồng/dự án, kinh phí đầu tư theo giá trị quyết toán dự án hoàn thành đối với các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng trong hàng rào dự án. Văn bản này ban hành trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 32, vậy nội dung hỗ trợ này có trái với Nghị định 32 không?
Hơn nữa, Nghị định 32 quy định việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thông qua thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư. Vậy dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có thuộc trường hợp tổ chức đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành không?
Với những thắc mắc trên, đại diện Sở Công Thương Đăk Nông đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ giải đáp giúp địa phương có đường hướng trong hỗ trợ, thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.
Được biết, Cục Công Thương địa phương đang lấy ý kiến đóng góp, để hoàn thiện Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 32 nhằm sớm phổ biến tới các địa phương giúp Nghị định 32 sớm đi vào thực tiễn, phát huy tác động của cụm công nghiệp tới phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng, công nghiệp nói chung của các tỉnh, thành phố trên cả nước.