Huyện Krông Búk (Đắk Lắk): Phấn đấu 100% xe thô sơ được đăng ký, quản lý Đắk Lắk: Gần 400ha rừng bị suy giảm tại Trung tâm Bảo tồn Voi Giá cà phê hôm nay, 3/4/2024: Giá cà phê trong nước tăng trở lại |
Ngày 3/4, thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỉnh có 215 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung cung cấp cho hơn 77.300 hộ, tổng mức đầu tư trên 758 tỷ đồng. Trong đó, có 87 công trình đầu tư chưa hoàn chỉnh chỉ phục vụ cấp nước tạm thời và 128 công trình được đầu tư hoàn chỉnh thì có 52 công trình tại 8 địa phương đã ngừng hoạt động.
Một trong những công trình cấp nước ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã hư hỏng, xuống cấp, ngừng hoạt động. (Ảnh: CTV) |
Đối với các công trình cấp nước ngừng hoạt động đều do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã hoặc các ban chuyên môn của huyện làm chủ đầu tư. Sau khi công trình hoàn thành, được giao về cho cấp xã hoặc cộng đồng quản lý, vận hành.
Về nguyên nhân các công trình cấp nước hư hỏng, xuống cấp, ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Lý giải về điều này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng, một số chủ đầu tư chưa nắm vững về chuyên môn ngành nước, dẫn đến một số bất cập, tồn tại khi lập dự án, gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành sau đầu tư, như: Thiết kế và xác định nguồn nước chưa phù hợp, bị thiếu nước vào mùa khô, nhiều công trình không có hoặc có hệ thống xử lý nước nhưng chưa đạt yêu cầu dẫn đến chất lượng nước chưa đảm bảo quy chuẩn.
Trước khi đầu tư xây dựng công trình chưa được các chủ đầu tư chú ý, một số công trình chưa có sự tham gia của người dân vùng hưởng lợi, dẫn đến khi đưa vào vận hành người dân không sử dụng nước hoặc số người sử dụng rất hạn chế.
Đa số các công trình được đầu tư có quy mô nhỏ, dưới 100 hộ; đầu tư chưa hoàn chỉnh, chủ yếu để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt khẩn cấp; thời gian đưa vào sử dụng đã lâu, trên 10 năm.
Các công trình sau khi hoàn thành được giao lại cho Uỷ ban nhân dân xã hoặc các ban tự quản thôn, buôn quản lý vận hành, không có chuyên môn, nghiệp vụ để vận hành công trình, việc duy tu bảo dưỡng gần như không được thực hiện.
Kinh phí thu không đủ chi phí chi trả tiền điện nên đã bị cắt điện, hư hỏng xuống cấp nhưng không được sửa chữa kịp thời. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác như tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan dẫn đến khô hạn trong các tháng mùa khô diễn ra gay gắt, ngày càng nghiêm trọng; do đó, một số công trình bị cạn kiệt nguồn nước, không đảm bảo cho hoạt động cho các trạm cấp nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện và các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu sử dụng nước tại các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động. Từ đó, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương cải tạo, sửa chữa, nâng cấp; đồng thời, kiện toàn lại các tổ chức quản lý vận hành đảm bảo khi công trình đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình có quy mô liên thôn, liên xã; hạn chế việc đầu tư xây dựng các công trình có quy mô nhỏ.
Chủ đầu tư cần xác định rõ đơn vị quản lý vận hành công trình từ khi lập dự án, quá trình thực hiện dự án phải phối hợp đơn vị quản lý vận hành để tham gia ý kiến trong các vấn đề mang tính kỹ thuật. Ủy ban nhân dân các xã, đơn vị thực hiện trình tự, thủ tục lập hồ sơ giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn theo quy định.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xác định chỗ nào bà con đang gặp khó khăn để cùng với địa phương có giải pháp. Đồng thời, rà soát lại các công trình cần sửa chữa, nâng cấp; đánh giá kỹ lưỡng, đây là câu chuyện không mới nhưng đừng để lập lại” - ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho hay.