Đắk Lắk: Gần 400ha rừng bị suy giảm tại Trung tâm Bảo tồn Voi
Tại họp báo, ông Nguyễn Minh Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hiện trường, ngày 19/3, Chi cục Kiểm lâm có Công văn số 227/CCKL-QLBVR về diện tích rừng bị suy giảm tại Trung tâm Bảo tồn Voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng (viết tắt Trung tâm Bảo tồn Voi).
Cụ thể, năm 2023, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đã xác minh, cập nhật diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm tại Trung tâm Bảo tồn Voi vào cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng là 397,11ha, trong đó 4,64ha được xác định nguyên nhân do phá rừng.
Ông Nguyễn Minh Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: CTV |
Diện tích còn lại 392,47ha chủ yếu là người dân lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày và cây công nghiệp, trong đó có một số diện tích người dân đã canh tác từ lâu, không xác định được thời gian rừng bị giảm. Vì vậy, Hạt Kiểm lâm sở tại cập nhật vào cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng với nguyên nhân khác (chưa xác định được chính xác nguyên nhân rừng bị giảm).
Phần đất nằm trong gần 400ha diện tích rừng bị suy giảm. Ảnh: CTV |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk diện tích rừng bị suy giảm nói trên hầu hết là rừng nghèo, nghèo kiệt có trữ lượng thấp và suy giảm trong nhiều năm gần đây, chứ không phải mới bộc phát mới đây.
Qua rà soát, tại các tiểu khu 453, 440 và 436 có 109 căn nhà, chòi, với 529 nhân khẩu sinh sống và sản xuất nông nghiệp trái phép. Ảnh: CTV |
Nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng nói trên bị suy giảm chủ yếu do người đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do vào dựng nhà, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy trái phép.
Không chỉ vậy, phần lớn diện tích rừng của Trung tâm Bảo tồn Voi nằm gần các khu dân cư, đặc biệt là các khu dân cư tự phát, ngoài quy hoạch còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng. Do đó, người dân thường vào rừng khai thác gỗ, phá rừng trái pháp luật để lấy đất sản xuất. Qua rà soát, tại các tiểu khu 453, 440 và 436 có 109 căn nhà, chòi, với 529 nhân khẩu sinh sống và sản xuất nông nghiệp trái phép.
Trả lời các câu hỏi tại buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, việc để diện tích rừng tự nhiên bị biến động lớn, trong thời gian dài nhưng không kịp thời phát hiện, xử lý, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng là Trung tâm Bảo tồn Voi và chính quyền địa phương.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức làm việc với Uỷ ban nhân dân huyện Buôn Đôn liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Đồng thời, bàn phương hướng, giải pháp tăng cường công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm và bảo đảm chấp hành pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Voi phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ, xử lý theo quy định đối với diện tích rừng bị biến động. Mặt khác, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để rừng bị suy giảm. Tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp để xử lý nghiêm theo quy định…