Đắk Lắk: Đề xuất nâng cấp các tuyến đường Quốc lộ 26, 27, 29 chạy qua địa bàn
Ngày 15/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk và các sở, ngành để xem xét, tổng hợp các nội dung ý kiến, kiến nghị để báo cáo tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khoá XV sắp tới.
Tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024. Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, các sở, ngành cần rà soát, chọn lọc ý kiến, kiến nghị sát với thực tế, tránh kiến nghị trùng lặp, từ đó các ý kiến cần phải đi theo hệ thống chuẩn mực để đảm bảo tính phù hợp, tổng hợp ý kiến cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khoá XV sắp tới.
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Trường Minh) |
Đối với các vấn đề liên quan đến đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, dự kiến tuyến đường cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột hoàn thành vào cuối năm 2026, do đó để phát huy hiệu quả tuyến đường này mong Trung ương quan tâm hơn nữa để hoàn thành Cầu 110 nằm trong Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1667+570 - Km1738+148 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư từ năm 2013. Qua đó, thiết lập hệ thống mạng lưới giao thông thuận lợi, góp phần lưu thông liên vùng, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.
Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư cũng kiến nghị cần nâng cấp các tuyến đường Quốc lộ 26, 27, 29...hiện nay đang hẹp và xuống cấp, trong khi đó, hàng năm các tuyến đường này thường vận chuyển hàng triệu tấn nông sản để phục vụ phát triển kinh tế. Kính mong các cấp, các ngành Trung ương quan tâm, đầu tư cải thiện thêm các tuyến Quốc lộ này.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương trong đó có Đắk Lắk vẫn vướng mắc bởi các quy định về văn bản dưới luật. Do đó các đại biểu đề xuất Quốc hội xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành và cơ quan ngang bộ tiếp tục tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tránh chồng chéo trong việc thực thi.
Ông Đỗ Đức Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk cho biết: “Thực tế về chương trình mục tiêu quốc gia về bản chất nó không phải là văn bản quy phạm pháp luật, thế nhưng để triển khai việc này thì ở địa phương phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện mà việc này theo quy định rõ ràng có tính trái luật. Mặc dù hiện nay chúng ta đang thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chúng ta phải điều chỉnh cho phù hợp để thống nhất việc này đề nghị đoàn phải có ý kiến về nội dung này”.
Đối với Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực sắp tới, các đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn về bảng giá đất để người dân theo dõi, nắm bắt được thông tin hơn khi luật dự kiến có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7 sắp tới.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực: khoáng sản, bảo hiểm, tư pháp, cải cách tiền lương, nhà ở, phúc lợi cho người lao động, biên chế cho ngành giáo dục, công tác quy hoạch, sử dụng đất, các vấn đề về đất nông lâm trường...
Ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các sở, ngành có báo cáo cụ thể để đoàn tổng hợp ý kiến một cách chính xác và tiếp tục có đề xuất trình lên Quốc hội và các bộ ngành xem xét. Nhấn mạnh, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk luôn luôn quan tâm, đồng hành và sẵn sàng giúp đỡ, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Đắk Lắk.