“Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam”, kính thưa quý vị, trên đây là nhan đề bài viết của Đại úy, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Toán - Viện Lịch sử Quân sự, được đăng tải trên báo Nhân Dân điện tử tại trang web nhandan.vn. Trong tháng 12 này là dịp đặc biệt có ý nghĩa Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), thêm một lần nữa chúng ta cũng nhắc nhớ và hồi ức lại những câu chuyện về vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - với tấm lòng trân trọng và biết ơn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Vị tướng huyền thoại của Việt Nam và thế giới; dù không trải qua trường lớp quân sự nào, nhưng dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh; đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cùng Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ huy xây dựng Quân đội từ “con số không” nhanh chóng phát triển lực lượng, trình độ tổ chức, tác chiến, nâng cao sức mạnh chiến đấu, đánh bại nhiều viên tướng nổi tiếng của các quân đội đế quốc thực dân hùng mạnh trên thế giới, làm thay đổi dòng chảy lịch sử dân tộc và nhân loại.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch họp bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu |
Tên tuổi và sự nghiệp của ông mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử dân tộc, vị tướng lừng danh trong lịch sử thế giới, góp phần làm phong phú nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông cũng là Tổng Tư lệnh đầu tiên và duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng đầu tiên, cũng là đại tướng đánh bại nhiều đại tướng nhất.
Tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, tại xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước. Ông đã dấn thân vào con đường cách mạng từ khi tuổi đời còn rất trẻ dưới sự dìu dắt của các bậc đàn anh và những người thầy ở Trường Quốc học Huế, tham gia các tổ chức yêu nước và cách mạng: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, trở thành Ủy viên Trung ương dự bị, phụ trách tuyên huấn và giao thông liên lạc của Tổng bộ Tân Việt Cách mạng Đảng. Võ Nguyên Giáp đã góp phần to lớn thúc đẩy tổ chức Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - là một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã bị thực dân Pháp kết án 2 năm tù vì tham gia ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tháng 4/1940 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp, ông và đồng chí Phạm Văn Đồng được đồng chí Hoàng Văn Thụ - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp giao nhiệm vụ sang miền Nam Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đầu tháng 6/1940, tại Thúy Hồ - Côn Minh - Vân Nam (Trung Quốc), hai ông được gặp đồng chí Vương (tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc). Từ đây, Võ Nguyên Giáp được gần gũi, trở thành người học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Nhận thấy ở Võ Nguyên Giáp có tài năng thiên bẩm về quân sự, cho nên sau thời gian thử thách, rèn luyện, tháng 12/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao cho Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kể từ đây, Võ Nguyên Giáp giữ vai trò người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đội quân từ 34 chiến sĩ trở thành một đội quân cách mạng ngày càng lớn mạnh, từng bước đánh bại những quân đội nhà nghề, sừng sỏ, được trang bị những vũ khí chiến tranh tối tân, hiện đại thời bấy giờ, giành và giữ nền độc lập, tự do cho dân tộc, vẹn toàn lãnh thổ cho Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cương vị Bí thư Trung ương Quân ủy, Tổng Chính ủy, Bí thư Tổng Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt sâu sắc đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước lớn mạnh, trưởng thành, phát huy vai trò của quân đội cách mạng, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; phát huy thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, từng bước đánh bại các kế hoạch quân sự của địch. Đại tướng đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng, đánh dấu sự phát triển của cuộc kháng chiến như Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào... Đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư duy quân sự sắc bén, với nhãn quan chiến lược sâu sắc, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đưa Đại tướng vào hàng danh tướng của thế giới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Phó Thủ tướng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội, Đại tướng chỉ đạo quân, dân trên cả hai miền Nam, Bắc lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh những cố gắng quân sự cao nhất của Mỹ, ngụy, lập nên những chiến công vang dội, như thắng lợi trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và mùa khô 1966 - 1967, Chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, làm nên “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội vào tháng 12/1972. Đặc biệt đại thắng mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã lập nên mốc son chói lọi, kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng, giành lại trọn vẹn độc lập cho dân tộc, thống nhất cho non sông.
Đất nước hòa bình, thống nhất, Đại tướng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80.
Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam suy tôn ông là người “Anh Cả” của quân đội. Bộ đội do ông lãnh đạo, chỉ huy được nhân dân yêu mến gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”, đó là niềm tự hào, là sự kiêu hãnh mà không phải quân đội nào trên thế giới cũng có được.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những chiến công hiển hách
Đổi mục tiêu đánh Cao Bằng sang Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới năm 1950.
Trong Chiến dịch Biên giới 1950, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy Mặt trận Biên giới, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch, tạo bước ngoặt căn bản trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Theo kế hoạch tác chiến ban đầu vạch ra, quân ta sẽ bắt đầu chiến dịch bằng tập trung ưu thế binh lực, tiến công tiêu diệt địch trong thị xã Cao Bằng. Sau khi giải quyết xong Cao Bằng, sẽ chuyển xuống tiêu diệt địch ở Đông Khê, rồi tùy tình hình để định hướng phát triển tiếp theo của chiến dịch.
Nhưng trước khi lên đường đi chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo cáo tình hình và được Người căn dặn: Chiến dịch này quan trọng, chỉ được thắng, không được thua. Lời căn dặn đó, khiến đồng chí Tổng Tư lệnh trăn trở, suy nghĩ nhiều về tầm quan trọng của chiến dịch. Vậy, mục tiêu đặt ra cho chiến dịch có vượt quá sức của bộ đội hay không? Lấy thị xã Cao Bằng là điểm đột phá mở đầu chiến dịch có đúng không? Liệu ta có thể huy động đủ lương thực cho lực lượng lớn bộ đội, dân công trong chiến dịch dài ngày không?
Từ những trăn trở đó, đầu tháng 8 năm 1950, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tổ chức trinh sát thực địa Cao Bằng. Sau khi phân tích, đánh giá tình hình, để thực hiện quyết tâm bảo đảm đánh chắc thắng trận đầu, trận đánh then chốt mở màn cho chiến dịch tiến công lớn đầu tiên của Quân đội ta. Tại cuộc họp Đảng ủy Mặt trận ngày 16 tháng 8 năm 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch kết luận: Đánh Cao Bằng trước, “ta chưa có thể nói chắc chắn bảo đảm thắng lợi”. Do vậy, đồng chí đưa ra phương án tác chiến mới, đó là đánh Đông Khê trước để mở màn chiến dịch.
Bởi:
Nếu đánh Cao Bằng trước, ta sẽ gặp một số khó khăn như vấn đề tổ chức vượt sông, vấn đề đối phó với quân nhảy dù tăng viện lúc chiến đấu... Nếu đánh Cao Bằng không thắng lợi sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của bộ đội. Ngược lại, tiến công Đông Khê phù hợp với nguyên tắc bảo đảm chắc thắng trận đầu trong tác chiến chiến dịch, phù hợp với cách đánh của ta (đánh điểm, diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính), thuận tiện cho ta triển khai binh, hoả lực, phù hợp với khả năng chiến đấu của bộ đội, có khả năng bảo đảm chắc thắng và có cơ hội đánh viện binh địch.
Hơn nữa, lực lượng địch ở Đông Khê yếu hơn so với các mục tiêu khác - là nơi địch tương đối sơ hở nhưng lại là nơi hiểm yếu, nếu Đông Khê bị đột phá, toàn bộ thế trận của địch sẽ bị chia cắt và uy hiếp. Do vị trí quân sự quan trọng của Đông Khê, là mắt xích quan trọng nối với thị xã Cao Bằng với thị trấn Thất Khê. Nếu mất Đông Khê, tuyến phòng thủ đường số 4 sẽ bị chia cắt, thị xã Cao Bằng trở nên cô lập, buộc địch phải đưa quân đến ứng cứu Đông Khê, hoặc rút quân từ Cao Bằng về hỗ trợ.
Phương án này, ngay sau đó, được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và được nhất trí thông qua.
Diễn biến của chiến dịch đúng như Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp dự đoán. Sau thời gian chuẩn bị, ngày 16 tháng 9 năm 1950, quân ta nổ súng tiến công Đông Khê, đến sáng 18 tháng 9, quân địch rút chạy, ta làm chủ trận địa. Địch buộc phải điều lực lượng ứng cứu: Binh đoàn Lepager nhận lệnh tiến theo đường số 4 lên đón binh đoàn của Charton từ Cao Bằng rút về cùng hợp điểm tại Đông Khê. Sau đó, ta đã khéo léo “dụ” được hai binh đoàn thiện chiến nhất của quân Pháp rời bỏ những nơi đồn trú kiên cố, cô lập chúng không cho hợp điểm và buộc chúng cuối cùng phải sa vào thế trận “thiên la, địa võng” do ta bày sẵn ở Cốc Xá - Ðiểm cao 477 để tiêu diệt. Thắng lợi đó thể hiện tài năng thao lược thiên bẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh sang “Đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Sau khi Điện Biên Phủ được chọn làm điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và thực dân Pháp, ngày 14 tháng 01 năm 1954, tại Sở Chỉ huy chiến dịch ở Thẩm Púa, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch mở Hội nghị Cán bộ phổ biến Kế hoạch tác chiến chiến dịch theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” đã xác định và giao nhiệm vụ cho các đơn vị tiến hành công tác chuẩn bị đánh theo Quyết nghị của hội nghị. Nhưng với nhãn quan quân sự nhạy cảm, sắc bén, Đại tướng nhanh chóng phát hiện những điểm yếu của phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.
Bởi, “tình hình địch đã thay đổi nhiều. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội sẽ phải tiến hành một trận công kiên vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có”, quan trọng hơn, những khó khăn đó chưa tìm được cách khắc phục. Mặc dù, “pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xuất phát xung phong”, nhưng với tinh thần kỷ luật cùng thái độ trách nhiệm trước Đảng, quân và dân, Đại tướng quyết định “Phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài.
Từ kinh nghiệm thực tiễn chiến trường những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và thiên bẩm quân sự, Đại tướng đã trình bày quan điểm về phương án tác chiến tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm, phân tích những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau Hội nghị Thẩm Púa, cùng những khó khăn chưa thể khắc phục của ta. Từ đó, Đại tướng khẳng định: Phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” không thể đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”. Đại tướng quả quyết ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đối cách đánh và phương châm tác chiến. Sau thời gian thảo luận nghiêm túc, thay mặt Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Mặt trận, Đại tướng kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”.
Quyết định hoãn cuộc tiến công, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết định quyết đoán, dũng cảm, thể hiện tầm cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị của Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận trước Đảng, nhân dân và Quân đội. Quyết định đó kịp thời tránh được nguy cơ tổn thất cho quân và dân ta mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”.
Thực tiễn diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh quyết định của Đại tướng vào thời điểm lịch sử đó là hoàn toàn đúng đắn. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ức có kể lại đó là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình
Ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…’ trong trận đại thắng mùa xuân 1975
Với “hai đòn chiến lược gối đầu nhau” là Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng giành thắng lợi, ta đã loại khỏi vòng chiến một nửa lực lượng địch, giải phóng một vùng rộng lớn suốt từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, tạo đột biến về cục diện chiến tranh, khiến địch hoang mang, hoảng loạn, tìm cách co cụm để giữ Sài Gòn...
Nắm bắt thời cơ chiến lược, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn về đòn chiến lược thứ ba tiến công Sài Gòn, đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến giải phóng Sài Gòn - Gia Định theo hướng bao vây chiến lược ở phía đông và phía tây Sài Gòn, sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch.
Ngày 1/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương điện cho Trung ương Cục miền Nam, xác định thời gian tiến công Sài Gòn, trong đó nêu rõ: “Hiện nay ta đã có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều. Vấn đề quyết định là phải kịp thời nắm lấy thời cơ... Thời gian hiện nay phải tính từng ngày. Phải thần tốc, thần tốc, toàn thắng, nhất định toàn thắng”.
Được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, quán triệt tinh thần tiến quân “thần tốc”, trên hướng Đường số 1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chính trị ký quyết định thành lập cánh quân Duyên hải (còn gọi là cánh quân phía Đông, 5/4/1975) và trực tiếp giao nhiệm vụ phải chọc thủng các phòng tuyến của địch từ Nha Trang trở vào Sài Gòn. Tổng Tư lệnh đặt ra yêu cầu đối với cánh quân phía Đông là phải tìm mọi phương án nâng cao tốc độ hành quân để kịp thời gian tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn; quá trình hành quân phải là quá trình bổ sung, sáp nhập và hiệp đồng chiến đấu liên tục, “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.
Đôn đốc, thúc giục các binh đoàn, lực lượng trên toàn mặt trận, ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tự tay thảo bức Điện số 157/ĐK, ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”
Cùng với việc chỉ đạo các cánh quân “thần tốc” giải phóng lãnh thổ trên đất liền, ngày 2/4, Đại tướng trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn: Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Ngày 4/4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức bức “mật điện” số 990B/TK “chỉ cán bộ có trách nhiệm biết”, sau đó tốc chuyển đến đồng chí Võ Chí Công - Chính ủy Quân khu 5 và đồng chí Chu Huy Mân - Tư Lệnh Quân khu 5: giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Khu V, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ kịp thời giải phóng Quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Mệnh lệnh được thi hành ngay tức khắc. Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai kế hoạch tác chiến. Sau khi Quân khu 5 báo cáo kế hoạch đánh chiếm các đảo, ngày 13/4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho đồng chí Chu Huy Mân nêu ý kiến về thời cơ đánh chiếm các đảo. Ngày hôm sau, nhận được tin quân địch chuẩn bị rút khỏi Trường Sa, Đại tướng chỉ thị cho Quân khu 5: Thời cơ đánh chiếm các đảo lúc này rất thuận lợi. Các anh ra lệnh đánh chiếm ngay. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên báo cáo về Bộ.
Ngày 28/4, quân ta hoàn thành giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa. Đến ngày 30/4 lá cờ giải phóng tung bay trước Dinh Độc lập báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, một thời khắc thiêng liêng của triệu triệu người Việt Nam khi đất nước được giải phóng, non sông thu về một mối.
Như vậy, suốt ba mươi năm chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng (1945-1975), trên cương vị Tổng Tư lệnh quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta. Hình ảnh và những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, đúng như khẳng định của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta suy tôn đồng chí là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.
Những đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vị tướng ấy (tức tướng Pháp ở Đông Dương) cầm quân đánh trận ở Việt Nam đều thua ông Giáp thì ông Giáp phải trên họ một bậc”
Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng văn, võ song toàn. Vừa võ vừa văn, cả hai lĩnh vực ấy quyện vào, hỗ trợ cho nhau, đều hay, đều giỏi: quân sự - chính trị - kinh tế - văn hóa; văn hóa – chính trị - kinh tế - quân sự”
Tướng De Castrier: “Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông [...] tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cônhi và Đại tướng Navarre. Tôi hân hạnh làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
60 năm những người hùng châu Á, bình chọn của tạp chí Time, 2006: “Ngày nay, vẫn chỉnh tề trong bộ quân phục, tướng Giáp khiêm tốn từ chối nhận định rằng những chiến thắng quân sự đã khiến ông trở thành một người anh hùng. Ông khẳng định, chúng tôi đơn giản là bằng chứng rằng “nhân dân Việt Nam, với tinh thần yêu nước, có thể làm nên những điều phi thường”. Đúng vậy. Nhưng tướng Giáp đã chỉ cho họ con đường ấy
Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc Phòng Mỹ 1993: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao… Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”
Bách Khoa toàn thư Pháp: “Là người tổ chức Quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết mácxít, kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp. Võ Nguyên Giáp đã chứng minh rằng ông có những đức tính ngoài tầm cỡ bình thường trên mọi lĩnh vực lớn của cuộc chiến tranh”
Những phát ngôn làm nên tên tuổi vị Đại tướng huyền thoại
Cuộc gặp đầu tiên của Đại tướng với cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mcnamara tháng 11/1995: “Từ lo sợ không có trong tư duy của chúng tôi. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Chúng tôi quyết đánh Mỹ và chúng tôi luôn tin tưởng là sẽ chiến thắng.”
Cuộc gặp lần thứ 2 - cũng là lần cuối cùng của cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mcnamara tháng 6/1997: “Vị tướng dù có công lao đến đâu cũng là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam mới là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ mình bình đẳng với những người lính của mình”
Chiến lược của tôi là chiến lược hòa bình, nhưng hòa bình trong độc lập, tự do” - Trả lời câu hỏi của cố vấn an ninh của Tổng thống Algieria
“Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó” - Đại tướng nói khi được chúc mừng nhân dịp bước sang tuổi 100.
Kính thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.