Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tuyệt đối không bỏ trống, làm gián đoạn hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường
“Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tuyệt đối không bỏ trống, làm gián đoạn hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường”, kính thưa quý vị, trên đây là nhan đề của bài viết của nhóm phóng viên được đăng tải trên báo Công Thương điện tử tại trang web congthuong.vn. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, Quản lý thị trường cần nêu cao tinh thần, tuyệt đối không bỏ trống, làm gián đoạn hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Bộ trưởng ghi nhận 5 kết quả nổi bật của lực lượng Quản lý thị trường
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây không chỉ là tổng kết năm mà còn là hội nghị lịch sử, triển khai Nghị quyết 18 thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy hoạt động của các bộ, ngành, đơn vị, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường.
Hội nghị cũng nhằm tổng kết, đánh giá và nhìn lại hiệu quả của mô hình hoạt động Tổng cục Quản lý thị trường theo ngành dọc sau hơn 6 năm hoạt động kể từ tháng 10/2018. Tổng kết không phải là kết thúc mà mở ra chương mới hoạt động, dù ở đâu, Quản lý thị trường cũng phải phát huy hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong công tác phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.
Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương, đánh giá cao công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của toàn lực lượng.
Thứ nhất, toàn lực lượng đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động công vụ của lực lượng (như các đề án, công điện, chỉ thị và văn bản chỉ đạo về: Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và kinh doanh mặt hàng vàng; đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường thương mại điện tử; thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường sau cơn bão Yagi…, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước.
Thứ hai, lực lượng đã triển khai khá tốt nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều vụ việc vi phạm lớn đã bị phát hiện và xử lý (thể hiện rõ qua số vụ thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý, số tiền xử phạt và số vụ chuyển cơ quan điều tra đều tăng đáng kể so với năm trước). “Kết quả này chứng tỏ vai trò của lực lượng Quản lý thị trường ngày càng được khẳng định, phát huy”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương.
Cũng theo Bộ trưởng, một số lĩnh vực nổi cộm, có diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo, như: Lĩnh vực thương mại điện tử, số vụ xử lý tăng 2,4 lần và số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023; lĩnh vực kinh doanh mặt hàng vàng, lực lượng Quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý trên 550 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 15 tỷ đồng, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng.
Thứ ba, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Quản lý thị trường và sự phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn (như Sở Công Thương, Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan, Thuế…) trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… có sự chuyển biến tích cực. Nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp đã được xử lý khá tốt, từ đó củng cố được niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đối với lực lượng Quản lý thị trường (như: Vụ triệt phá kho hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng kinh doanh qua mạng xã hội với trị giá hàng hóa trên 20 tỷ đồng tại Hà Nội và vụ phát hiện đối tượng kinh doanh vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa trên 7,3 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh...).
Những kết quả này là minh chứng điển hình cho sự nỗ lực của toàn lực lượng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiến tạo thị trường lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận |
Thứ tư, kỷ cương hành chính, nề nếp công tác (từ Tổng cục đến các đơn vị trực thuộc) đã được chấn chỉnh và có chuyển biến khá tích cực. Công tác cán bộ trong toàn lực lượng được kiện toàn đồng bộ, tạo được sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện; đặc biệt Tổng cục đã thực hiện khá tốt chủ trương bổ nhiệm nhiều cấp trưởng không phải là người địa phương và đã triển khai nghiêm túc quy định về luân chuyển, điều động công chức các cấp.
Thứ năm, công tác thông tin truyền thông, đối ngoại, hợp tác quốc tế của Tổng cục và các đơn vị trực thuộc được chú trọng và có nhiều chuyển biến rõ nét, giúp nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức thực thi và góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh.
“Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, tôi ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà Tổng cục và toàn lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được trong 6 năm qua, đặc biệt là trong năm 2024” - Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao một lần nữa.
Những hạn chế cần khắc phục, chấn chỉnh
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Quản lý thị trường vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nổi lên trong đó là hiệu quả công tác Quản lý thị trường, đấu tranh phòng chống các vi phạm, gian lận thương mại (nhất là trong thương mại điện tử) vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có hệ thống. Các vi phạm về hàng hóa trong thương mại điện tử có xu hướng gia tăng. Số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng so với năm trước nhưng so với thực tế vi phạm thì còn rất nhỏ, chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm đang diễn ra trên thị trường.
Thứ hai, kiểm tra, kiểm soát địa bàn của các tổ, đội, cơ sở chưa thực sự sâu sát; công tác thanh tra, kiểm tra tại một số đơn vị mới chỉ tập trung chủ yếu vào những hành vi vi phạm đơn giản (như ở khâu giấy phép kinh doanh và niêm yết giá); áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.
Thứ ba, công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ cho cán bộ công chức ở nhiều đơn vị chưa tốt; sức ì trong đội ngũ cán bộ, công chức (nhất là ở cấp cơ sở) còn lớn; công chức vi phạm quy định của ngành (thậm chí vi phạm quy định pháp luật) vẫn tiếp tục xảy ra; việc xử lý sai phạm ở một số nơi chưa nghiêm túc. Tình trạng nhũng nhiễu (thậm chí có dấu hiệu bảo kê) của một số cán bộ trong lực lượng khi thi hành công vụ.
Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, Bộ trưởng cho rằng có cả khách quan và chủ quan; trong đó các nguyên nhân chủ quan chủ yếu đến từ việc nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước và của ngành ở nhiều đơn vị chưa tốt; công tác quản lý, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (cả về lý luận, phẩm chất đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ) cho cán bộ trong lực lượng chưa đạt yêu cầu đề ra.
Chưa kể, công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên với cấp dưới và việc đấu tranh với tinh thần xây dựng giữa các bộ phận cùng cấp chưa thường xuyên, kém hiệu quả; việc xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân chưa thật nghiêm túc nên không đủ sức răn đe.
Thêm vào đó, vai trò của các cấp uỷ, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo ở nhiều đơn vị chưa được phát huy; tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu một số đơn vị chưa rõ nét; kỷ cương, nề nếp trong nhiều đơn vị cơ sở không nghiêm.
Ngoài ra, việc phối hợp với các ngành, các cấp, các lực lượng (nhất là ở cấp địa phương) trong triển khai thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, chưa tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Không những vậy, năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận công chức Quản lý thị trường (kể cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý) ở một số đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Tuyệt đối không để gián đoạn hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường
Năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ngành Công Thương nói riêng được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Nền kinh tế mở cùng với tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử (nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới) sẽ ngày càng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn cho công tác Quản lý thị trường. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia nhiều các Hiệp định thương mại sẽ mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi cho hoạt động ngoại thương nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.
Từ bối cảnh trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, mục tiêu chung của công tác Quản lý thị trường năm tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị toàn lực lượng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ năm 2025 được giao, thông qua các nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục quán triệt thật sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ (qua các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Công điện…), cùng với khuyến nghị của các Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương để thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, qua thực tiễn quản lý, thực thi công vụ, lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của toàn lực lượng.
Hai là, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường (đặc biệt là trong các dịp Tết, Lễ) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chú trọng kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các ngành hàng thiết yếu như: xăng dầu, phân bón; các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (nhất là thuốc lá thế hệ mới); thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hàng thời trang, hàng điện tử...
Trong bối cảnh mới, cả nước đang tích cực và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhắc lại tinh thần, không có khoảng trống, không bị đứt đoạn trong công tác triển khai, thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường của lực lượng Quản lý thị trường.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của UBTV Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương mại điện tử và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử (như Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; tăng cường công tác hậu kiểm trong quản lý hoạt động thương mại điện tử).
Ba là, tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành và ý thức chấp hành pháp luật của công chức trong toàn lực lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của ngành; đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng.
Năm là, về sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Quản lý thị trường thời gian tới.
Liên quan đến nhiệm vụ này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở.
"Đây là là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, tôi đề nghị cấp uỷ, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường địa phương cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và chỉ đạo, toàn lực lượng cần làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ (nhất là việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách cán bộ), tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong toàn lực lượng và từng cơ quan, đơn vị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, toàn lực lượng xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (chứ không phải là sự sắp xếp cơ học) nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị (tổ, đội).
"Tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ; không để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ, nhất là trong bối cảnh năm mới và Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, thị trường hàng hoá sẽ rất sôi động, dễ phát sinh những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh nếu công tác kiểm tra, giám sát thị trường bị buông lỏng" - Bộ trưởng chỉ đạo và đặc biệt nhấn mạnh thêm một lần nữa về nhiệm vụ không để gián đoạn, không tạo khoảng trống trong công tác quản lý thị trường.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu, cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đã được ban hành, bảo đảm ổn định thị trường, phục vụ tốt nhu cầu nhân dân vui Xuân đón Tết.
Trong quá trình tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong, Tổng cục và các Cục Quản lý thị trường địa phương phải bám sát yêu cầu, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Bộ để bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai và chỉ tiêu sắp xếp tối thiểu được giao; đồng thời, cần lưu ý các vấn đề liên quan đến xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định, cơ chế chính sách phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới để bảo đảm mô hình bộ máy mới phải tốt hơn mô hình cũ và phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn phụ trách.
Về phía Bộ Công Thương, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ chủ động kiến nghị với cấp có thẩm quyền, cũng như trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành liên quan và cấp uỷ, chính quyền địa phương để có chính sách cán bộ hợp lý, tạo thuận lợi cho cán bộ công chức trong lực lượng Quản lý thị trường khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, toàn lực lượng sẽ nghiêm túc triển khai các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và dù ở đơn vị nào lực lượng Quản lý thị trường cũng thể hiện bản lĩnh của người lính trung kiên, phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ, trở thành lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
“Các đồng chí phải quyết liệt thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương. Tổng cục Quản lý thị trường vẫn phải cùng Cục Quản lý thị trường các địa phương quán triệt thực hiện nhiệm vụ cho đến khi có quy định mới" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Kính thưa quý vị! Chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe. Rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.