Đại hội đồng cổ đông Vilico 2022: Chuyển dự án bò thịt Tam Đảo cho công ty liên doanh với Nhật
Năm 2021, nhìn chung Vilico duy trì hoạt động kinh doanh tương đối hiệu quả, công ty đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh, thoái vốn các khoản đầu tư không hiệu quả, không nằm trong chiến lược phát triển chung.
Từ sau khi trở thành công ty con của Vinamilk cuối 2019, Vilico đã liên tục triển khai nhiều dự án lớn, có tiềm năng tăng trưởng như: Dự án bò thịt liên doanh giữa Tập đoàn Sojitz và Vilico; liên kết cùng công ty mẹ - Vinamilk để mở rộng, phát triển ngành sữa thông qua xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Hưng Yên; dự án Tổ hợp thiên đường sữatại Mộc Châu do công ty con là Mộc Châu Milktriển khai.
Nhận được sự đồng thuận cao từ các cổ đông, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 đã thống nhất thông qua các nội dung quan trọng.
Cụ thể, mục tiêu năm 2021, Doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận đạt 2.928,3 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế là 323,4 tỷ đồng, tăng 5% chủ yếu nhờ sự tăng trưởng từ công ty con là Mộc Châu Milk.
Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần là 3.247,7 tỷ đồng, tăng 10,9% so với kết quả thực hiện được năm 2021. Trong năm 2022, Vilico tập trung vào việc nâng cao công tác quản trị Công ty, tiếp tục phát triển với nền tảng, hướng tới trở thành công ty hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi và cung cấp cho thị trường Việt Nam những sản phẩm thịt chất lượng, an toàn và giàu dinh dưỡng.
Cổ tức năm 2022 không quá 600 đồng/ cổ phần, tùy theo kết quả kinh doanh và thời gian tạm ứng. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021, Vilico trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%, tương đương 600 đồng/cổ phiếu. Thời gian chi trả sẽ không quá 6 tháng từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Tại đại hội, cổ đông Vilico cũng thông qua kế hoạch chuyển từ sàn UPCOM sang sàn HOSE. Thời gian thực hiện sẽ trong năm 2022 hoặc 2023.
Tại Đại hội, các cổ đông cũng nhất trí chuyển dự án Tam Đảo cho công ty liên doanh - Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật (“jvl”). Đây là dự án lớn nhất về vốn đầu tư dự kiến của Vilico tính đến thời điểm này, sau khi kí thành công MOU trị giá 500 triệu đô với đối tác Nhật Bản.
Để đảm bảo cho hoạt động đầu tư và mở rộng phát triển của Dự án liên doanh giữa hai Bên, cổ đông Vilico thống nhất chuyển giao toàn bộ dự án Tam Đảo (quy mô 1.800 tỷ đồng) cho công ty liên doanh – JVL sau khi dự án đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, để JVL tiếp tục quản lý, vận hành và phát triển.
Hình ảnh phối cảnh của dự án bò thịt tại Tam Đảo. Ảnh: Vilico |
Ngoài ra, JVL có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm một cơ sở chăn nuôi bò thịt để bổ trợ cho dự án Tam Đảo. Tổng mức đầu tư dự kiến của JVL cho dự án này là 1.185 tỷ đồng và đang trong quá trình khảo sát, tìm địa điểm phù hợp để đầu tư.
Sản phẩm bò tuyết Yuki được bày bán tại các siêu thị lớn. Ảnh: Vilico |
Hiện tại, liên doanh giữa Vilico và Sojitz đã tiến hành nuôi, bán thử nghiệm sản phẩm bò thịt tại Việt Nam và bước đầu xây dựng mạng lưới khách hàng. Trong đó, sản phẩm bò tuyết Yuki được nhập khẩu từ Nhật Bản đang có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn như Aeon Mall, Aeon Citimart, Ministop…
Bên cạnh đó, đại hội đồng cổ đông thông qua phương án triển khai Dự án Nhà máy sữa Hưng Yên nhằm mục đích khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất của Công ty cũng như để tận dụng lợi thế của Vinamilk trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, góp phần khai thác và đầu tư khu đất hiệu quả.
Phối cảnh nhà máy sữa Hưng Yên. Ảnh: Vilico |
Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.083,4 tỷ đồng hiện do Vilico làm chủ đầu tư. Sau khi Dự án hoàn thành và đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, Vilico sẽ thực hiện một trong hai phương án sau: chuyển nhượng Dự án cho Vinamilk để Vinamilk vận hành Dự án hoặc Vilico sẽ sản xuất các sản phẩm sữa và liên quan đến sữa cho Vinamilk.
Phối cảnh Tổ hợp dự án thiên đường sữa Mộc Châu, có vốn đầu tư dự kiến lên đến 3.500 tỷ đồng |
Ngoài ra, ngày 28/5, Mộc Châu Milk – Công ty con của Vilico cũng khởi công dự án Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu có tổng vốn đầu tư lên tới 3.150 tỷ đồng trên diện tích 176ha tại Mộc Châu, Sơn La (do Vinamilk và Mộc Châu Milk phát triển). Đây là hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao đi đôi với phát triển bền vững, dựa trên định hướng mục tiêu là phát triển du lịch tại Mộc Châu gắn liền với chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Sơn La, trong đó ngành chăn nuôi bò sữa là chủ lực.
Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu gồm 02 dự án chính: (1) Dự án “Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu”: mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái có diện tích quy hoạch là 150ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỉ đồng; (2) Dự án Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, có diện tích 26ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn của nhà máy này là 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày giai đoạn 1 và có thể nâng lên 1.000 tấn sữa/ngày trong giai đoạn 2.