Đại học RMIT Việt Nam: Nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao
Nhà chung của những nhân sự “chiến”
Hơn một thập kỷ kể từ khi Đại học RMIT chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam, trường đã đưa vào thị trường nguồn nhân lực hơn 8.300 ứng viên chất lượng cao. Năm 2012, Đại học RMIT Úc xếp thứ 51 trên toàn cầu về khả năng được tuyển dụng của sinh viên, từ bình chọn của 5.000 nhà tuyển dụng do QS World University Rankings thực hiện, và tại Việt Nam, trường đã và đang vận hành theo phương châm tương tự. Theo nghiên cứu mới nhất do trường thực hiện, hơn 77% sinh viên tốt nghiệp năm 2013 có việc làm toàn thời gian hoặc bán thời gian trong vòng ba tháng sau khi ra trường.
Tỉ lệ trên minh chứng cho khẳng định của Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam: “Giá trị cốt lõi trong những gì chúng tôi đang thực hiện chính là đào tạo sinh viên trở thành những nhân viên có khả năng tạo ảnh hưởng và những doanh nhân tương lai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu”.
Trong nhiều năm, trường không ngừng xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới và hiện đang hoạt động tại Việt Nam như Intel, KPMG, Unilever, Bosch và Jardine Matheson Group. Những buổi trao đổi thực tế với các doanh nghiệp này cũng như một số đơn vị khác là một trong những yếu tố then chốt giúp sinh viên RMIT Việt Nam hình dung được bức tranh toàn cảnh về thế giới việc làm. Thêm vào đó, đến học kỳ cuối, sinh viên còn có điều kiện được thực tập ở những doanh nghiệp liên kết với RMIT Việt Nam, giúp nâng cao cơ hội được tuyển dụng về sau.
Phát triển, nâng cao chất lượng và tạo khác biệt
Là ba mục tiêu chính mà trường luôn nỗ lực hướng tới, thể hiện qua phương pháp giảng dạy điển hình lấy sinh viên làm trung tâm và mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như khả năng được tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp từ Đại học RMIT Việt Nam.
Sau hơn 13 năm liên tục phát triển và khẳng định vị thế trong lĩnh vực giáo dục, Đại học RMIT Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng cơ sở vật chất lẫn quy mô giảng dạy, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng sinh viên tốt nghiệp nhằm cung cấp ra thị trường nhân lực những nhân sự tinh nhuệ nhất, sẵn sàng cống hiến ngay khi hoàn thành chương trình. |
Trường đang cân nhắc mở thêm hơn 15 chuyên ngành cử nhân và 13 chuyên ngành thạc sĩ trong năm năm tới, tùy theo phân tích thị trường, kế hoạch kinh doanh và những phê chuẩn cần thiết. Những ngành này sẽ thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, sức khỏe, truyền thông, thiết kế, ngôn ngữ và kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong năm nay, Đại học RMIT Việt Nam sẽ thành lập Phân viện đào tạo sau đại học – khu vực châu Á tại trung tâm TP.Hồ Chí Minh, cho phép nghiên cứu sinh người Việt có thể tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ kết hợp giữa Việt Nam và Melbourne. Trung tâm này sẽ được trang bị tối tân cho chương trình đào tạo cấp quản lý, cung cấp các khóa ngắn hạn cho giám đốc và chuyên viên ở doanh nghiệp tư cũng như công tại Việt Nam.
Đại học RMIT Việt Nam cũng tăng cường hoạt động nghiên cứu, đặc biệt ở những lĩnh vực có ích cho Việt Nam, đồng thời tiếp tục kết nối với các trường bạn và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2014, trường đã tổ chức hội thảo nghiên cứu với sự tham gia của các nhà nghiên cứu của RMIT Việt Nam, RMIT Úc và đại diện các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam như Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học và Công nghệ, và Đại học Tôn Đức Thắng. Mới đây nhất, Đại học RMIT Việt Nam đã bắt tay với KPMG để thành lập Trung tâm quản trị KPMG-RMIT, đơn vị chuyên nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tổ chức nhà nước về các vấn đề quản trị.