Ông Nguyễn Hữu Đường với các sản phẩm của V-Cola tại Trung tâm Thương mại V+
Tái ngộ thị trường sau 20 năm lỡ hẹn
Đầu năm 1994, ngay sau khi Tổng thống Mỹ (lúc đó là Bill Clinton) cho phép các công ty nước này có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hòa Bình Group đã phải hủy kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất nước ngọt. Ông Đường đã mất 15% tiền đặt cọc mua dây chuyền sản xuất nước ngọt trị giá 15.000 USD và một số tiền lớn đầu tư ban đầu cho nhà máy này.
Kế hoạch này bị hủy bỏ khi ông Đường biết rằng, hãng nước ngọt có gas lớn nhất thế giới của Mỹ lúc đó là Coca-Cola đầu tư vào Việt Nam.
“Quyết định lúc đó là đúng đắn. Chúng tôi không thể đấu nổi một tập đoàn sản xuất đa quốc gia mạnh nhất thế giới. Tôi nhớ như in ngày Mỹ bỏ cấm vận, hình ảnh 2 chai Coca-Cola to, cao ngang Nhà hát Lớn bay phấp phới gần Bờ Hồ. Họ mang Coca-Cola trên những chuyến xe lưu động chạy từ Hà Nội vào TP.HCM cho người dân uống miễn phí. Lúc đó, giá thành sản xuất 1 lon Coca-Cola giá 1.200 đồng, nhưng họ chỉ bán 800 đồng. Sau 3 năm, với chiến lược này, gần như họ không còn đối thủ”, ông Đường nhớ lại.
Từ đó đến nay, Coca-Cola đã không ngừng phát triển, thống lĩnh thị trường và trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Đúng 20 năm sau, cuối năm 2014, ông Đường quyết định quay trở lại đầu tư nhà máy sản xuất nước ngọt. Lý do ông đầu tư nhà máy là, sau khi khởi xướng phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” vào năm 2008, năm 2013, ông quyết định dành 25.000 m2 của Trung tâm Thương mại V+ và bắt đầu sản xuất các mặt hàng bán tại đây. Ngoài các mặt hàng như quần áo, bánh mỳ…, nước ngọt là sản phẩm ông Đường quyết định đầu tư sản xuất, bởi lúc này ông đã tích lũy được kinh nghiệm sau 20 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, có đội ngũ kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm và có tiềm lực tài chính để cạnh tranh với đối thủ.
“Giá thành một lon nước ngọt có gas chỉ 3.500-4.000 đồng. Nếu bán với giá 7.000-8.000 đồng/lon, thì lãi gấp đôi. Nếu bán với giá 5.700 đồng/lon, trừ chi phí, mỗi năm cũng lãi 100 tỷ đồng. Với mức giá bán 6.700 đồng/lon, thì lãi tới 500 tỷ đồng/năm”, ông Đường tính toán.
Công nghệ sản xuất nước ngọt hiện đại nhất thế giới
Tháng 3/2014, ông Đường quyết định mua lại Nhà máy Bia Á Châu, lấy hơn 1,6 ha tại nhà máy này để xây dựng Nhà máy Sản xuất bia và nước giải khát Hòa Bình.
Tháng 7/2014, ông Đường mua dây chuyền sản xuất của Hãng Krones (CHLB Đức) với công suất hơn 200 triệu lít/năm. Đây là dây chuyền sản xuất hiện đại nhất thế giới, tuy đắt hơn các hệ thống dây chuyền nước ngoài 15-20%, nhưng với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tự động hóa cao nhất, khi đi vào sản xuất sẽ mang lại hiệu quả cao.
Nhà máy Sản xuất bia và nước giải khát Hòa Bình được xây dựng dựa trên thiết kế và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với chất lượng cao nhất. Nhà máy còn sử dụng hệ thống xử lý nước hoàn toàn tự động, thiết kế theo dạng modul mới nhất thế giới, nên giảm thiểu tối đa lượng nước thải ra môi trường.
Nhà máy sử dụng nguyên liệu và hương liệu nhập khẩu từ các nhà cung cấp uy tín trên thế giới, như Firmenich (tập đoàn lớn nhất của Thụy Sỹ về hương liệu) và DSM (công ty đa quốc gia cung cấp vi chất hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hà Lan).
“Về chất lượng thiết bị, đây là nhà máy hiện đại nhất thế giới, theo công nghệ mới nhất của Đức, thân thiện môi trường. Nước thải nhà máy qua xử lý có thể uống được. Tôi khẳng định rằng, nhà máy của tôi an toàn, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Vì thế, các sản phẩm sản xuất ra tương đương và cao hơn chất lượng sản phẩm của các nhà sản xuất tại Việt Nam”, ông Đường khẳng định.
V-Cola đã “phủ sóng” khắp Việt Nam
Tháng 1/2015, Nhà máy đã cho ra lò 4 loại sản phẩm dạng lon đầu tiên là nước ngọt có gas V-Cola, nước tăng lực Fansipan Gold và Fansipan Red và nước uống thể thao Sport 5.
Ngay sau khi “ra lò” mẻ đầu tiên, 1 triệu sản phẩm của V-Cola đã được ông Đường tặng miễn phí cho khách hàng dùng thử trên cả nước, trong đó có 500.000 lon được phát cho bà con gia đình nghèo, gia đình chính sách dùng vào dịp Tết Ất Mùi 2015. Cùng với đó, ông đã mời tất cả các nhà phân phối đến Nhà máy tham quan và dùng thử sản phẩm.
Kết quả là đến nay, chỉ sau 3 tháng sản phẩm ra thị trường, đã có 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhà phân phối, thậm chí có đại lý ở một tỉnh cho hay, sản phẩm V-Cola bán chạy hơn sản phẩm của hãng nước ngọt có gas gấp 2 lần vào dịp Tết Ất Mùi 2015. Điều này đã củng cố niềm tin cho ông Đường rằng, người Việt Nam không quay lưng với hàng Việt Nam, chỉ có điều doanh nghiệp Việt Nam chưa cung cấp được sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ cho người tiêu dùng mà thôi.
“Với giá bán từ 5.700 đồng/lon, chỉ bằng 70% giá của các sản phẩm cùng loại do chủ đầu tư nước ngoài sản xuất, chỉ sau 5 ngày xuất hiện trên thị trường, các đối thủ của V-Cola đã giảm giá sản phẩm 850 đồng/lon, tức gần 20.0000 đồng/thùng. Tính từ năng suất 1,15 tỷ lít/năm, với việc giảm giá này đã giảm lợi nhuận của họ hơn 1.440 tỷ đồng. Nếu bán cùng giá với V-Cola, mỗi năm họ sẽ mất hơn 5.000 tỷ đồng. Như vậy, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc Hòa Bình Group tham gia cạnh tranh vào lĩnh vực này. Tôi tin rằng, V-Cola sẽ giành được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước theo phương châm ‘Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam’”, ông Đường cho biết.
V-Cola không sợ cạnh tranh
Gặp ông Đường thời điểm đầu hè nóng nực, thời điểm dòng sản phẩm nước giải khát “vào vụ”, ông Đường phấn khởi cho biết, ông đang lên kế hoạch tăng năng suất và sản xuất thêm sản phẩm đóng chai V-Cola.
Bên cạnh đó, ông Đường đang lên kế hoạch xây dựng thêm 1 nhà máy tại Đồng Nai để mở rộng thị trường phía Nam. Theo ông Đường, hiện Hòa Bình đã chọn được địa điểm và lên kế hoạch xây dựng, đặt hàng dây chuyền sản xuất. Quy mô, công suất nhà máy này tương đương nhà máy tại Bắc Ninh.
Theo tiết lộ của ông Đường, mới đây, khi Nhà máy Sản xuất bia và nước giải khát Hòa Bình đi vào sản xuất và phân phối tới người tiêu dùng, đã có các đối tác từ Thái Lan, Nhật Bản đến tìm gặp và đặt vấn đề mua lại nhà máy với giá cao gấp 2-3 lần vốn đầu tư xây dựng nhà máy.
“Tôi không biết có phải họ muốn thâm nhập thị trường Việt Nam hay do ai đó thuê đứng ra mua lại, nhưng rõ ràng, quy luật của thị trường là ai cũng muốn độc quyền một mặt hàng nào đó. Để khống chế thị trường, khống chế giá bán, họ có thể bỏ ra rất nhiều tiền thâu tóm các sản phẩm khác. Do không có ý định bán, nên tôi không đàm phán”, ông Đường cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, nếu không bán, thì có lo ngại các đối thủ chèn ép, hạ giá nhằm “tiêu diệt” Hòa Bình, ông Đường tự tin: “Tôi không những không sợ họ bắt tay chèn ép, mà còn hoan nghênh họ cạnh tranh, hoan nghênh họ hạ giá. Vì càng hạ giá, người dân Việt Nam càng có lợi, lợi nhuận họ càng thấp”.
Ông Đường lại mải miết với kế hoạch xây thêm nhà máy mới. Ông tiếp tục thực hiện tâm nguyện xây các trung tâm thương mại miễn phí cho doanh nghiệp Việt Nam bán hàng Việt Nam trên khắp các tỉnh, thành phố và tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” do chính ông khởi xướng.
Trong cuộc cạnh tranh cam go đang diễn ra, điều ông Đường luôn trăn trở và hy vọng là đứng bên cạnh ông sẽ là sự ủng hộ của doanh nghiệp, người dân Việt Nam. “Tôi cho rằng, trong dòng máu của mỗi người Việt Nam đều có lòng tự hào dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ tinh thần đó mà trên thế giới chưa có một dân tộc nào 3 lần đánh thắng quân Nguyên, đánh thắng giặc ngoại xâm như dân tộc Việt Nam”, ông Đường tự tin và mong muốn, khi các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được hàng hóa, thì người dân trong nước cũng như kiều bào nước ngoài sẽ hết lòng ủng hộ họ, vì không có người Việt nào không mong muốn được dân giàu nước mạnh. Ủng hộ hàng Việt là ủng hộ đồng bào mình, ủng hộ người thân và gia đình mình để con cháu được sống trong ấm no và hạnh phúc.