Đại diện Hội đồng Vàng Thế giới nói gì về việc đấu thầu vàng ở Việt Nam?
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước mới đây, nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường, từ ngày 20 - 24/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào ngày 21/5 và 23/5. Khối lượng vàng đấu thầu mỗi phiên vẫn ở mức 16.800 lượng. Khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu ở mức 500 lượng và khối lượng đặt tối đa là 4.000 lượng.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới |
Trước đó, kết thúc phiên đấu thầu ngày 16/5, có 11 thành viên trúng thầu 12.300 lượng vàng. Tổng khối lượng vàng trúng thầu qua các phiên là 27.200 lượng, tương ứng hơn 1,02 tấn vàng.
Trong nước, chỉ 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 30%. Đáng chú ý, giá vàng trồi sụt thất thường, điều chỉnh nhiều lần một ngày. Việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng nhằm tiến tới kéo giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước đã bộc lộ những hạn chế, chênh lệch vàng miếng SJC trong nước và quốc tế thường xuyên ở mức cao.
Nguyên nhân giá vàng tăng, theo ông Phạm Thanh Hà, do giá thế giới tăng và nguồn cung trong nước hạn chế, khiến giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá quốc tế.
Về giải pháp, ông Hà nói, trước mắt sẽ tăng cung cho thị trường qua việc tổ chức các phiên đấu thầu, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá trong nước và quốc tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh 63 tỉnh, thành tăng cường quản lý nhà nước với thị trường vàng; tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh vàng miếng…
Đánh giá về việc đấu thầu vàng để tăng nguồn cung ở Việt Nam trong thời gian gần đây?, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng, đây là một giải pháp chính sách mà Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đang triển khai để có thể thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới.
Việc đấu thầu sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường vàng ở trong nước và nó sẽ có những tác động nhất định. Tuy nhiên, thời điểm Ngân hàng Nhà nước tiến hành đấu giá vàng để can thiệp thị trường diễn ra vào đúng dịp giá vàng trên thế giới tăng rất mạnh, cho nên ngay cả khi nguồn cung trong nước tăng lên thông qua việc đấu giá nhưng giá vàng ở thế giới tăng dẫn đến giá vàng ở trong nước vẫn tăng cao và tăng theo.
Theo ông Shaokai Fan, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia cũng từng áp dụng biện pháp can thiệp trực tiếp như Việt Nam trên thị trường vào tháng 3, tháng 4 năm ngoái để giảm áp lực về cung tăng đột biến.
Đồng thời, ông Shaokai Fan cũng dẫn ví dụ một số giải pháp khác để "hạ nhiệt" nhu cầu vàng trong nước ở các quốc gia. Chẳng hạn, Ấn Độ đã phát hành trái phiếu gắn với giá vàng. "Chính phủ nước này đã phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng trái phiếu đó lại gắn với biến động theo giá vàng" - ông Shaokai Fan nêu.
Trước câu hỏi, các quốc gia phụ thuộc vào vàng nhập khẩu như Việt Nam thường đáp ứng nguồn cung vàng trong nước bằng cách nào?, ông Shaokai Fan chia sẻ, ở Việt Nam cũng khai thác vàng, tuy nhiên sản lượng không đủ để có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước, chính vì thế phải dựa vào nhập khẩu vàng hoặc người dân phải bán số vàng họ đang găm giữ để tăng nguồn cung trên thị trường.
"Tuy nhiên, trong xu hướng đang mua vào mạnh như hiện nay thì cách duy nhất còn lại đó là nhập khẩu vàng, để có thể đáp ứng nhu cầu ở trong nước" - ông ông Shaokai Fan nói.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, trong quý I/2024, tổng nhu cầu vàng toàn cầu (bao gồm lượng mua vào của thị trường phi tập trung OTC) tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.238 tấn, đánh dấu quý I tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.
Sự đầu tư vàng mạnh mẽ từ thị trường OTC (giao dịch phi tập trung OTC còn được gọi là giao dịch "ngoài sàn" diễn ra trực tiếp giữa hai bên, không được thực hiện thông qua sàn giao dịch), sức mua liên tục của ngân hàng trung ương và sự gia tăng mua vàng từ các khách hàng châu Á đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục (2.070 USD/ounce).
Đáng chú ý, các ngân hàng trung ương tích cực mua thêm vàng, bổ sung thêm 290 tấn vàng vào kho dự trữ trong quý I. Hoạt động mua vào liên tục và với khối lượng lớn của khối ngân hàng chính thống nhấn mạnh tầm quan trọng của vàng trong danh mục tài sản dự trữ quốc tế trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và rủi ro gia tăng.
Tại Việt Nam, trong quý I/2024, ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tăng 12%, với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quý 1 kể từ năm 2015.
Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý I, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao - được dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD. Mức chênh lệch giá đối với vàng miếng đã đạt mức kỷ lục là 650 USD/ounce.
Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế về nguồn cung, đồng thời Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường vào cuối tháng 4.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý I/2024 ghi nhận mức sụt giảm lần thứ 5 liên tiếp, giảm hơn 10% xuống còn 4 tấn, được ghi nhận là quý I có nhu cầu thấp nhất kể từ năm 2015...