Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Ngành Công Thương đã khẩn trương vào cuộc, gỡ khó cho sản xuất kinh doanh tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những hoạt động của ngành Công Thương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam sản xuất và lưu thông hàng hóa giữa bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 bùng phát vừa qua?
Trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh tại khu vực phía Nam thì mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên tôi cho rằng, Bộ Công Thương đã khẩn trương vào cuộc khi kịp thời thành lập Tổ công tác tiền phương (nay là Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương) để thực hiện công tác điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch.
PGS. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh - Đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hồ Chí Minh |
Chính việc Tổ công tác đặc biệt vừa trực tiếp thực địa tại các vùng dịch, vừa tổ chức nhiều cuộc họp, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương đã góp phần giúp nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Cũng trong giai đoạn này, Bộ Công Thương đã nhận diện được những khó khăn của doanh nghiệp và chủ động kiến nghị lên Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ liên quan đến vấn đề lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ưu tiên cho người lao động được tiêm vaccine, kiến nghị các chính sách gỡ ách tắc tại các khu vực cảng biển hay đề xuất cho doanh nghiệp sản xuất được chủ động chịu trách nhiệm trong việc phòng chống dịch…
Có thể thấy, sự chủ động, thích ứng nhanh khi đưa ra các quyết định và giải pháp kịp thời của ngành Công Thương đã giúp ổn định nhanh các vấn đề cung cầu hàng hóa, duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có trong tiền lệ.
Ông có kỳ vọng gì về việc TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành ở phía Nam nói chung đang mở cửa lại?
Thực tế cho thấy, mọi quốc gia đều đang tìm cách để thích ứng được với biến chủng mới của Covid-19. Do đó, việc các địa phương mở cửa cho hoạt động kinh tế dần trở lại là hoàn toàn phù hợp. Đặc biệt, trên phương diện vĩ mô, trong chiến lược mới hiện nay, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia cũng đã có phương châm thích ứng, an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Tuy nhiên theo tôi hiện nay tình hình dịch bệnh giữa các địa phương khác nhau và số lượng người được tiêm vaccine cũng khác nhau, vì thế mức độ rủi ro, mức độ nguy hiểm từ dịch bệnh sẽ khác nhau. Do đó cần cần đảm bảo an toàn trên quy mô vùng, ưu tiên tiêm vaccine trên phạm vi vùng để giải quyết bài toán mở cửa sang trạng thái “bình thường mới” cho từng vùng.
Còn các hoạt động kinh doanh kinh tế thì “không có biên giới”. Các địa phương có thể phân vùng, tùy theo cấp độ dịch bệnh để đưa ra các biện pháp nới lỏng phù hợp, một cách thận trọng, theo điều kiện tình hình của địa phương mình.
Nhiều doanh nghiệp tái sản xuất khi các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại |
Dưới góc độ nghiên cứu phát triển kinh tế, theo ông để giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phục hồi mạnh hơn trong thời gian tới, Chính phủ nói chung và ngành Công Thương nói riêng cần có những giải pháp nào?
Thực tế TP. Hồ Chí Minh hiện đóng góp khoảng 22% GDP cả nước, đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước nên thành phố khó khăn thì cả nước cũng khó khăn. Trong khi đó, dịch bệnh kéo dài đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể, đặc biệt là hộ kinh doanh cá thể... Tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (GRDP) trong quý III/2021 sụt giảm hơn 24,39%, còn tính chung 9 tháng năm 2021 thì sụt giảm 4,98%. Chưa bao giờ kinh tế thành phố sụt giảm đến mức như thế. Chính những khó khăn kinh tế từ dịch bệnh đã đặt ra rất nhiều thách thức cho thành phố cũng như các cơ quan chức năng, khi rất nhiều khoản chi đầu tư, chi hỗ trợ, chi gói an sinh... song hành với việc chống lạm phát.
Để giúp thành phố phục hồi, cần thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, nhưng chặt chẽ để vừa bảo đảm hỗ trợ, an sinh xã hội nhưng vừa phải kiểm soát được lạm phát vì nếu xảy ra lạm phát thì chính sách hỗ trợ, an sinh cho người dân sẽ không có nhiều ý nghĩa.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân đánh giá cao đề xuất "phủ" vaccine cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, doanh nghiệp phân phối bán lẻ, logistics... của Bộ Công Thương |
Đối với ngành Công Thương, cần phối hợp với các địa phương để tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, kết nối giao thông thuận lợi nhất, giảm bớt sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn lao động… Đồng thời có ý kiến với các Bộ, ngành khác để dẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp sản xuất cũng như nắm bắt cơ hội xuất khẩu; có các chính sách thúc đẩy cầu hàng hóa tăng, từ đó tạo cơ hội để doanh nghiệp hồi phục trong những tháng cuối năm này.
Tuy nhiên bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ, ngành thì mỗi doanh nghiệp cũng phải tự chủ động đáp ứng các tiêu chí vừa đảm bảo sản xuất và an toàn chống dịch mà chính quyền đặt ra.
Xin cảm ơn ông!