Đại biểu Quốc hội: Phải bỏ một số loại phí vô lý
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) trả lời báo chí sáng 18/6.
Các đại biểu Quốc hội nhất trí cao với việc cần thiết ban hành Luật Phí và lệ phí nhằm khắc phục một số tồn tại trong pháp lệnh phí, lệ phí hiện hành; đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn Tp. Hồ Chí Minh), dự án luật này không chỉ nên công khai minh bạch trong chính sách phí, lệ phí mà còn phải quan tâm tới tính công bằng. Thực tế, một số khoản phí, lệ phí thể hiện sự thiếu công bằng khi thu và sử dụng. Đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, lắng nghe người dân, doanh nghiệp để ban hành danh mục phí hợp lý nhất; bỏ một số loại phí vô lý như: Phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện xe máy vì đây là loại phí khó minh bạch, khó thực hiện.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều loại phí, lệ phí bất hợp lý và không cần thiết gây khó khăn cho người dân, gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội. Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị cần được phân loại rạch ròi, cụ thể các loại phí, lệ phí nào do Chính phủ quy định, loại nào là do Chính phủ phân cấp cho các Bộ, ngành và địa phương. Các Bộ, ngành được quy định thu những loại phí nào, loại nào do chính quyền địa phương quy định… có như vậy sẽ dễ dàng thực hiện. “Nếu phân cấp không rõ ràng, thiếu minh bạch sẽ dễ dẫn đến bất cập trong quản lý và sử dụng nguồn thu từ các loại phí và lệ phí”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) yêu cầu bổ sung nguyên tắc thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí là bảo đảm thu hợp lý, thu đúng, đủ, công khai, minh bạch và thống nhất trong quản lý, sử dụng. Quy định nguyên tắc này vì phí, lệ phí liên quan đến dịch vụ công được thực hiện rộng rãi và trực tiếp tới cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, xã hội nên chế độ thu nộp, sử dụng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu: Hợp lý khoản mục thu, mức thu nộp; bảo đảm thu đúng, thu đủ, tránh tình trạng tận thu, lạm thu và lãng thu; thống nhất quy định rõ trách nhiệm của từng cấp quyết định thu, sử dụng nguồn phí, lệ phí…
Cũng nhằm công khai, minh bạch các khoản phí, lệ phí, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, dự thảo Luật phí và lệ phí cần bổ sung một chương quy định các khoản phí, lệ phí ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân đã được kiến nghị nhiều nhưng chưa được thay đổi như: Phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng tạm thời lòng đường lề đường, hè phố… Việc cụ thể hóa các loại phí này trong luật không chỉ giải quyết được bức xúc của cử tri còn góp phần tăng thu cho ngân sách.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng đề nghị các quy định của luật cần tính đến quyền lợi, lợi ích và nghĩa vụ của người dân một cách hợp lý, nhằm khắc phục xu hướng lạm thu, tận thu, phí chồng phí.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. Theo đó, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 2015; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2016.
Xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước; xem xét, thảo luận báo cáo kết qủa giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10…