Thứ hai 30/12/2024 00:08
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV:

Đại biểu Quốc hội lo "Thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi"

Hôm nay (1/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận tại Hội trường việc cho ý kiến vào Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về tình trạng nợ công sắp chạm ngưỡng cho phép.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ thận trọng cân nhắc khi vay vốn...

Cần cân nhắc khi vay

Bày tỏ lo ngại tình trạng nợ công ngày càng tăng, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân nợ công và áp lực nợ hiện nay cũng như khả năng và giải pháp khắc phục để Quốc hội và nhân dân yên tâm.

“Nhân gian có câu "thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi", tâm lý người dân Việt Nam là lo nợ, nợ công cao thì càng lo” - Đại biểu Phương nói và cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới thì Quốc hội mới giải quyết được những vướng mắc hiện nay.

Cũng với lo ngại ấy, đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) bám sát Báo cáo của Chính phủ để phân tích. Theo đó, ước bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 là 254 nghìn tỷ đồng. Với mức bội chi này dư nợ công là 64,98% GDP, sát ngưỡng 65% GDP. Nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, vượt ngưỡng cho phép là 50% GDP.

Theo đại biểu, trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này còn cao hơn, nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước và nếu tính cả trả nợ gốc bằng trên 26%. Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.

“Chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018” - Đại biểu Tiến dự báo và phân tích, đến thời điểm này, tăng trưởng GDP khó đạt mục tiêu 6,7% như Quốc hội đề ra. Việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, thậm chí xuống 4,1 triệu tỷ đồng nếu tăng trưởng ở mức 6,3%. Như vậy, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra và dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho nền tài chính công đang thực sự xảy ra.

Tán thành với ý kiến của đại biểu đoàn Quảng Bình và Hà Nam, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng, trong điều kiện nợ công gia tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn thì Chính phủ cần cân nhắc bổ sung thêm các chỉ tiêu giám sát chi phí vay để dừng vay hoặc cơ cấu lại đồng tiền vay khi không đạt mục tiêu chi phí thấp.

Đại biểu Hàm đề nghị: “Cân nhắc lợi ích mang lại để quyết định việc vay hay không vay, cần thiết phải điều chỉnh giảm kế hoạch vay kể cả vay ODA, ưu đãi có điều kiện ràng buộc”.

Theo đại biểu Hàm, thực tiễn đã chứng minh nhiều dự án bị ràng buộc điều kiện vay như mua thiết bị đấu thầu hạn chế chỉ định thầu, về lâu dài chi phí bỏ ra có thể lớn hơn vay thương mại.

“Chính phủ cần xem xét một cách nghiêm túc để không cuốn vào vòng xoáy nguồn thu ngân sách sau khi trả nợ xong còn hạn hẹp, không đủ để bố trí cho nhiệm vụ chi cần thiết, mất cân đối ngân sách” - Vị đại biểu đoàn Phú Thọ nhấn mạnh và phân tích, chi trả nợ năm 2015 bằng 27,4% tổng thu trong khi trần nợ Quốc hội cho phép là 25%. Lãi suất bình quân huy động trái phiếu Chính phủ 9 tháng đầu năm 2016 khá cao, khoảng 6,48%/năm, và dự toán 2017, chi trả nợ gốc là 136 nghìn tỷ đồng, trả lãi được 98 nghìn tỷ.

Quy trách nhiệm tổ chức, cá nhân để thất thoát vốn đầu tư

Cùng với những phân tích, kiến nghị với Chính phủ về vấn đề nợ công, phiên thảo luận hôm nay cũng ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, trong đó, đáng lưu ý là việc làm rõ và có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân để thất thoát vốn đầu tư.

...và quy trách nhiệm và có hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân gây thát thoát nguồn vốn đầu tư

Theo đó, đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) chỉ rõ, việc quản lý, sử dụng vốn vay chưa thực sự đạt hiệu quả cao, thể hiện qua các dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí lãi vay, kéo dài thời gian thu hồi vốn, tạo thêm gánh nặng trả nợ.

Trong khi đó, giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn vay rất lớn, nên “nếu tiếp tục đầu tư như cách làm trong thời gian qua dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì hệ quả không chỉ dừng lại ở việc tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công, góp phần gây mất ổn định kinh tế vĩ mô” - đại biểu Tiến nói và đề nghị Chính phủ phải có chiến lược nợ rõ ràng, có những điều kiện cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ hàng năm, chi tiêu thường xuyên của Nhà nước triệt để tiết kiệm, đặc biệt, phải nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tiết kiệm chi thường xuyên.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP. Hà Nội) ví von, tình trạng sử dụng vốn ODA như "cha chung không ai khóc". Nhiều đơn vị, bộ, ban ngành, địa phương cảm thấy rằng đây là nguồn đầu tư không hoàn trả, chính vì thế sử dụng, quản lý kém hiệu quả làm thất thoát rất nhiều. “Đây là tăng nợ công mà chúng ta cần quan tâm” - đại biểu Tuấn khẳng định và lưu ý, chúng ta phải quan tâm và nên lựa chọn những ngành, những lĩnh vực đầu tư ít tiền nhưng hiệu quả cao, không ảnh hưởng đến môi trường.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đánh giá, Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo Thẩm tra của Quốc hội là thẳng thắn nhưng lại thiếu đi phần rất quan trọng là có bao nhiêu dự án đầu tư mang lại hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, nguyên nhân, giải pháp quản lý.

“Báo cáo và thẩm tra như trên là "bắn chỉ thiên", cái chung chỉ ra được, nhưng cái cụ thể trong thất thoát vốn đầu tư lãng phí, trách nhiệm tổ chức, cá nhân lại không chỉ ra được và không tạo được bước đột phá làm chuyển biến nhận thức trong quản lý vốn đầu tư thời gian tới” - đại biểu Phương nêu ý kiến.

Hoàng Châu
Bài viết cùng chủ đề: Đại biểu Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà người có công tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng: Đảm bảo quyền lợi người lao động khi tinh gọn bộ máy

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin về hợp nhất 2 Bộ

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Chung Sơn và Khu di tích quốc gia Kim Liên

Ngành Thông tin và Truyền thông: Doanh thu hơn 4,2 triệu tỷ đồng năm 2024

Thủ tướng: Năm 2025 phải là năm bứt phá của Petrovietnam

Phân bổ dự toán kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2025

Bổ sung ngân sách chi an sinh xã hội và chế độ cho giáo viên

'Chốt' mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ 1/1/2025

Thủ tướng yêu cầu ngành Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024

Công đoàn Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024

Tinh gọn bộ máy: Bộ Nội vụ thông tin về chế độ đối với cán bộ

Ngành Kế hoạch và Đầu tư: Giữ vững tinh thần tiên phong trong cải cách và đổi mới

Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư

Nhân sự 27/12: Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Hà Giang, Bắc Giang có tân Phó Bí thư Tỉnh ủy

Thủ tướng: Ngành Nông nghiệp phải bứt phá trong năm 2025, xuất khẩu đạt 70 tỷ USD

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin về phương án hợp nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Chùm ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024 của Cục Công nghiệp

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Không để gián đoạn việc thực hiện chính sách an sinh