Đại biểu Quốc hội "hiến kế" gỡ khó tiêu thụ nông sản
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) thảo luận tại hội trường.
Hầu hết đại biểu Quốc hội đồng tình với Báo cáo bổ sung bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 cũng như những tháng đầu năm 2015. Các đại biểu nhận định, kinh tế nước ta đã bước qua giai đoạn suy thoái, kinh tế có đã có bước tăng trưởng phục hồi nhưng chưa được bền vững, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Tại hội trường, một vấn đề được các đại biểu quan tâm, lo lắng là tình trạng tiêu thụ - xuất khẩu nông sản nông sản gặp khó khăn: Thị trường suy giảm, rớt giá, hàng hóa làm ra không tiêu thụ được...
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), nhiều mặt hàng nông sản đang mất giá, đồng thời mất thị trường do xu thế cạnh tranh khốc liệt như mặt hàng gạo có thêm đối thủ cạnh tranh như Campuchia, Lào, Bangladesh; mặt hàng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ; vải thiều, dưa hấu, hành tím, muối… thời gian qua vẫn đang chật vật tìm đầu ra. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu theo kiểu "cầu may", cạnh tranh bằng giá rẻ. Đại biểu đặt câu hỏi: “Tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua đã làm được gì?".
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế nhưng sản xuất còn tự phát, chưa liên kết chặt chẽ, chuỗi giá trị yếu kém... nên hiệu quả kinh doanh thấp. Nhiều nghị quyết, quyết định hay đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có nhưng người dân vẫn loay hoay trong việc trồng cây gì, nuôi con gì? “Chính phủ, các bộ ngành cần quyết liệt hơn nữa trong vấn đề nông nghiệp, đừng để tình trạng đoàn viên, thanh niên vận động mua từng kg dưa hấu. Tái cơ cấu nông nghiệp cần khắc phục các bất cập trong mô hình sản xuất, tiêu thụ hiện nay" đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Dương Tuấn (đoàn Bến Tre) chỉ rõ: Dù Nhà nước đã có nhiều chính sách mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều rào cản chưa được giải quyết, thể hiện qua những yếu kém trong khâu quy hoạch cây trồng, vật nuôi, mất cân đối trong sản xuất những mặt hàng nông nghiệp chủ lực… Những nguy cơ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế khi Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Đại biểu Trần Dương Tuấn cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, phải hình thành được cơ chế phối hợp trong tái cơ cấu nông nghiệp và dịch vụ. Đại biểu đề nghị Chính phủ nên thành lập tổ công tác liên bộ để giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, quan tâm đến các địa phương đang thực hiện tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp để nhân rộng mô hình.
Liên quan đến vấn đề hội nhập, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi), đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) đồng tình với đại biểu Trần Dương Tuấn và cho rằng, khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại, lĩnh vực gặp khó khăn nhất chắc chắn vẫn là nông nghiệp. Các đại biểu khuyến nghị, thời gian tới cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản, phân phối phù hợp, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, nhân rộng liên kết sản xuất, nâng cao năng lực của doanh nghiệp; mở rộng thị trường tiêu thụ, hợp tác mạnh với các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch như Nhật Bản, Israel…
Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các địa phương cần quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông dân, hợp tác mạnh với các nước có công nghệ cao để hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch; đổi mới khâu quản lý, điều hành, quy hoạch, tránh đầu tư quy mô tràn lan nhưng không gắn với thị trường dẫn đến khủng hoảng thừa.