Thứ sáu 22/11/2024 00:41

Đại biểu băn khoăn về thời hạn cấp giấy phép khai thác khoáng sản

Đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản.

Doanh nghiệp mất nhiều thời gian cho việc lập hồ sơ đề nghị gia hạn

Chiều 5/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Thị Lan - đoàn Quảng Ninh cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Góp ý về thời hạn cấp giấy phép khai thác khoáng sản, đại biểu cho rằng, tại điểm a khoản 4 Điều 58 của dự thảo luật quy định "thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm" và tại điểm b của khoản 4 còn quy định "nếu hết thời gian cấp phép, hết thời gian gia hạn thì có thể tiếp tục đề nghị cấp lại".

Đại biểu Đỗ Thị Lan nhận định, quy định về thời hạn khai thác và gia hạn khai thác khoáng sản như quy định là chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

Theo quy định, thời gian chuẩn bị cho việc xây dựng cơ bản của dự án đã mất từ 8 đến 10 năm và Luật Đầu tư tại Điều 44 quy định là "đối với các dự án trong khu vực công nghiệp, khu công nghiệp thì phải không quá 70 năm và ngoài khu vực công nghiệp thì không quá 50 năm".

"Trên thực tế, nhiều dự án khai thác than đã và đang thực hiện thời gian trên cả đời của dự án, vào khoảng trên 40 năm, rất nhiều dự án là 43 năm, 45 năm và bao gồm cả thời gian cấp phép và thời gian gia hạn" - bà Lan dẫn chứng.

Nhiều doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều thời gian cho việc lập hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian khai thác than và mỗi lần gia hạn thì chỉ được gia hạn từ 2 đến 3 năm và lại vừa làm vừa chuẩn bị để xin giấy phép gia hạn. Đề nghị gia hạn thời gian khai thác nhiều lần rất bất cập.

"Quy định về thời gian cấp phép, gia hạn khai thác khoáng sản của dự thảo luật giữ như hiện hành và không được sửa đổi, mặc dù đã có rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu" - đại biểu nói.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản và căn cứ trên trữ lượng khoáng sản, căn cứ trên điều kiện địa chất của khoáng sản, của dự án, điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn thì không quá 15 năm vào điểm a khoản 4 của Điều 58 dự thảo luật để cho phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vướng mắc hiện nay.

Thứ hai, về quy định tại điểm h khoản 1 của Điều 45, báo cáo tiếp thu, giải trình đã nêu là chỉnh lý nội dung quy định tại điểm h theo hướng giao cho Chính phủ quy định đối với trường hợp vượt quá 5 giấy phép thăm dò, nhưng dự thảo luật chưa thể hiện nội dung này. Vì vậy, đề nghị cần thống nhất giữa dự thảo luật và báo cáo tiếp thu, giải trình. Vì không có thời gian nên tôi xin không nêu lại nội dung này.

Thứ ba, liên quan đến phương án quản lý về địa chất, khoáng sản quy định tại Điều 12, trách nhiệm lập phương án quản lý khoáng sản của Điều 14 và điều chỉnh cục bộ phương án quản lý địa chất, khoáng sản theo quy định thủ tục rút gọn tại Điều 15, đại biểu đoàn Quảng Ninh nêu rõ, quy định tại dự thảo luật có điểm chưa thực sự phù hợp.

Bởi vì, tại khoản 2 Điều 12 dự thảo luật quy định phương án quản lý địa chất, khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Hay nói cách khác phương án quản lý địa chất khoáng sản là một hợp phần của quy hoạch tỉnh.

Như vậy, quy hoạch làm căn cứ để điều tra, khai thác khoáng sản phải phù hợp, ở đây là quy hoạch tỉnh và quy hoạch khoáng sản chứ không phải là phương án quản lý về địa chất, khoáng sản.

Quy định như dự thảo coi như phương án này như một quy hoạch và phân công cho cơ quan để cơ quan lập, điều chỉnh cục bộ phương án quản lý địa chất, khoáng sản như đối với một quy hoạch, trong khi quy hoạch tỉnh là một quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia thì lại không có quy định cụ thể về việc căn cứ phù hợp trong khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, quy định phương án quản lý địa chất khoáng sản như dự thảo luật sẽ không thống nhất với nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, mối quan hệ giữa quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội quy định phương án quản lý về địa chất, khoáng sản trong dự thảo luật là một hợp phần của quy hoạch tỉnh, như lập các quy hoạch ngành của tỉnh trước đây để tích hợp vào quy hoạch tỉnh và cần được quy định việc hướng dẫn lập phương án quản lý địa chất, khoáng sản như Điều 14.

Trách nhiệm lập phương án về địa chất, khoáng sản để tích hợp vào quy hoạch tỉnh và trách nhiệm lập quy hoạch là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về điều chỉnh cục bộ phương án quản lý địa chất, khoáng sản. Như vậy cho phù hợp với hệ thống quy hoạch cũng như phù hợp với các quy định của dự thảo luật.

Việc cấp lại giấy phép gặp nhiều khó khăn, phải chờ quy định mới

Qua khảo sát việc thực thi pháp luật về khoáng sản hiện hành, đại biểu Phạm Đình Thanh - đoàn Kon Tum đề nghị Ban soạn thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật khi luật có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Về vấn đề gia hạn và cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản, theo đại biểu, hiện nay, do quy định không thống nhất giữa Điều 55 và điều khoản chuyển tiếp quy định tại Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010 nên quyền đề nghị gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cấp trước ngày 1/7/2011 theo quy định tại Điều 55 Luật Khoáng sản không thực hiện được, khi giấy phép hết hạn thì phải đình chỉ hoạt động dù chưa khai thác hết trữ lượng được cấp phép.

Bên cạnh đó, có một bất cập nữa là mặc dù tổ chức, cá nhân này không được gia hạn cấp giấy phép khai thác khoáng sản, chưa khai thác hết trữ lượng được cấp phép nhưng lại không được trả lại tiền đã nộp cho 100% trữ lượng khi cấp quyền khai thác khoáng sản.

Việc cấp lại giấy phép gặp nhiều khó khăn, phải chờ quy định mới. Những vấn đề trên dẫn đến nhiều bức xúc, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản - đại biểu Phạm Đình Thanh nhấn mạnh.

Đồng thời, quy định về trình tự, thủ tục cấp phép của Luật Khoáng sản năm 2010 không phân biệt đối tượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản công nghiệp xây dựng khác cũng như không phân biệt quy mô, khu vực, địa lý, địa bàn kinh tế - xã hội.

Từ đó, dẫn đến việc cấp phép các mỏ khoáng sản có quy mô nhỏ, nhất là các mỏ vật liệu xây dựng thông thường ở địa bàn miền núi, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn không thể thực hiện theo quy trình, thủ tục như luật định, từ đấu giá đến cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường... vì mục tiêu khai thác nhỏ, thị trường kinh doanh hạn hẹp, không đủ chi phí đầu tư theo quy trình, thủ tục.

Đại biểu cũng nêu một vấn đề bất cập lớn hiện nay là đất san lấp, đất đắp. Theo văn bản hướng dẫn hiện hành của cơ quan chức năng, đất được xem là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải áp dụng các cơ chế quản lý theo luật về khoáng sản, từ đó phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, gây trì trệ trong đầu tư và tiến độ xây dựng.

Trên thực tế, hầu hết các công trình đầu tư công và kể cả các dự án đầu tư của các tổ chức kinh tế ngoài khu vực công, công trình công nghiệp, nông nghiệp dân dụng ở địa bàn, địa hình có độ dốc cao trong quá trình chuẩn bị mặt bằng đều có thi công, đào, đắp đất từ nơi thừa tới nơi thiếu hoặc dôi dư thì tập kết về bãi đá.

Các hoạt động này đang được xem là khai thác, sử dụng khoáng sản, đất san lấp, kéo theo hàng loạt thủ tục pháp lý và các nghĩa vụ tài chính liên quan phải thực hiện gây ách tắc, kéo dài thời gian, nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa hiểu và thực hiện không đầy đủ quy định này dẫn đến vi phạm phải xử lý trong thời gian vừa qua.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Phản ứng của Việt Nam về những động thái mới của Philippines tại Biển Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia

Bộ Ngoại giao thông tin về việc tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ

Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

Xung đột Nga-Ukraine lan rộng, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể

Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, xem xét công tác nhân sự

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Thủ đô Phnom Penh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Campuchia

Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Phó Thủ tướng Lê Thành Long hội kiến Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Chiết Giang, Trung Quốc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lên đường thăm chính thức Campuchia

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia

Giá bất động sản phi mã, lao động, công chức khó có thể mua

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Nhiều mỏ cát phục vụ cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long không đạt tiêu chuẩn

Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025

Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan