Thứ hai 23/12/2024 08:04

Đà Nẵng: Thanh toán không dùng tiền mặt “lên ngôi”

Dịch Covid – 19 đã thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại TP. Đà Nẵng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại. Nhiều người tiêu dùng tại TP. Đà Nẵng cho biết họ đã dần quen và gần như chuyển hẳn mọi hoạt động thanh toán từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán khác.

Dịch Covid – 19 thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng Đà Nẵng

Từ nhiều tháng nay, chị Mai Thị Ý Nhi (SN 1994, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã gần như không còn thói quen sử dụng tiền mặt khi đi mua hàng. Thay vào đó, chị thường xuyên sử dụng hình thức quẹt thẻ hoặc thanh toán trực tuyến thông qua quét VNPAY – QR.

Chị Nhi cho biết, trước khi dịch Covid – 19 xuất hiện, chị hầu như chỉ thực hiện giao dịch chuyển khoản trực tuyến khi mua hàng trực tuyến (mua hàng online), thậm chí nhận hàng mới thanh toán tiền mặt. Tuy nhiên, trong 2 năm dịch Covid – 19 vừa qua, để hạn chế tiếp xúc, chị đã dần quen với nhiều hình thức thanh toán khác. “Mua hàng siêu thị trực tuyến thì tôi chuyển khoản, đi siêu thị mua hàng trực tiếp thì tôi quẹt thẻ ngân hàng; đi cửa hàng tiện lợi thì sử dụng ví điện tử, hoặc mua quần áo, giày dép thì thường tôi quét VNPAY – QR…. Mua nhiều rồi quen và thấy rất an toàn, tiện lợi nên hiện tại tôi rất ít khi sử dụng tiền mặt”, chị Nhi nói.

2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đã thúc đẩy người tiêu dùng tại TP. Đà Nẵng quen với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Từ cao điểm dịch Covid – 19 tại TP. Đà Nẵng hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021, chị Nguyễn Huyền Trang (SN 1984, Thanh Khê Tây, Thanh Khê, Đà Nẵng) chọn hình thức mua hàng tiêu dùng thiết yếu tại siêu thị qua phương thức online. “Đặt hàng qua zalo xong, siêu thị gửi tổng tiền cần thanh toán và các hình thức thanh toán gồm cả tiền mặt lẫn chuyển khoản. Do dịch bệnh nên tôi đã đăng ký hình thức internet banking và chọn thanh toán bằng chuyển khoản. Làm 1, 2 lần đầu bỡ ngỡ nhưng dần quen. Đến giờ gia đình tôi dù có đi mua hàng trực tiếp tại siêu thị cũng vẫn chọn thanh toán chuyển khoản hoặc quẹt thẻ”, chị Trang cho hay.

Đại diện một shop quần áo trên đường Lê Duẩn (Đà Nẵng) cho biết trong dịp cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, mỗi ngày cửa hàng có tới hơn 100 đơn hàng mua hàng trực tiếp tại shop nhưng không thanh toán bằng tiền mặt. “Khách hàng thanh toán không tiền mặt thường ở độ tuổi từ 20 – 35 tuổi. Hình thức thanh toán chủ yếu là chuyển khoản hoặc thanh toán bằng quét mã VNPAY – QR, hoặc qua ví điện tử Momo”, đại diện shop chia sẻ.

Siêu thị, chợ truyền thống đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi là khu vực bán lẻ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất của hình thức thanh toán không tiền mặt tại TP. Đà Nẵng trong thời gian qua.

Các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP. Đà Nẵng là khu vực ghi nhận có tăng trưởng mạnh mẽ của hình thức thanh toán không tiền mặt trong năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022

Ông Phan Thống – Giám đốc siêu thị Coopmart Đà Nẵng cho biết, trong năm 2021 và đầu năm 2022, hình thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ tại quầy tính tiền siêu thị tăng khoảng gần 50%, qua các ví điện tử tăng 40% so với năm trước; thanh toán chuyển khoản cũng tăng mạnh so với năm 2020. Bên cạnh đó, do dịch bệnh, đơn hàng mua hàng nhu yếu phẩm thiết yếu bằng hình thức trực tuyến (mua hàng online) trong năm 2021 tăng nhiều lần so với năm 2020, và có đến hơn 90% khách hàng mua online thanh toán trực tuyến, chỉ rất ít khách hàng giao hàng mới thanh toán tiền mặt. “Siêu thị khuyến khích khách hàng thanh toán bằng các hình thức khác ngoài tiền mặt. Hiện chúng tôi có đầy đủ các kênh thanh toán, các hình thức thanh toán như chuyển khoản, thanh toán qua các ví điện tử, quét mã, quẹt thẻ thanh toán tại quầy….”, ông Thống thông tin.

Tại siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng, ông Nguyễn Minh Thương – Giám đốc siêu thị cho biết, hiện khách hàng của Lotte sử dụng thẻ thanh toán rất nhiều. Trong đó phổ biến nhất là quẹt thẻ tại quầy thu ngân và thanh toán qua quét mã VNPAY. Theo ông Thương, hình thức thanh toán trực tuyến trong ngành bán lẻ tại Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ có sự thúc đẩy quan trọng của các ứng dụng trung gian thanh toán khi các ứng dụng này liên tục có các ưu đãi, giãm giảm giá dành cho khách hàng. “Tại siêu thị chúng tôi có rất nhiều khách hàng thanh toán qua ví điện tử hay VNPAY vì các ứng dụng này thường xuyên có mã giảm giá, mã khuyến mại cho đơn hàng hay cho ngành hàng nên rất được ưa chuộng sử dụng”, ông Thương nói.

Cùng với siêu thị, các chợ truyền thống lớn trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng bắt đầu công cuộc “số hóa” thanh toán.

Là chợ đầu tiên tại TP. Đà Nẵng triển khai thí điểm chợ 4.0 – thanh toán không tiền mặt, ông Nguyễn Xuân Tuấn – Phó Ban Quản lý chợ Cồn cho biết, với sự hỗ trợ từ phía tập đoàn Viettel, hiện tại chợ có khoảng 900 tiểu thương được cấp mã quét QRCode để khách hàng khi mua hàng sẽ quét thanh toán trực tuyến.

Hơn 900 tiểu thương chợ Cồn đã tạo tài khoản thanh toán trên ví điện tử để khách hàng có thể thực hiện thanh toán bằng hình thức quét mã QR Code

Qua hơn 2 tháng triển khai, đến thời điểm hiện tại, thông qua ứng dụng thanh toán trực tuyến Viettel Money, tổng số tiền giao dịch giữa khách hàng với tiểu thương tại chợ đạt hơn 2 tỷ đồng. “Mặc dù số tiền so với giao dịch tiền mặt chưa nhiều, tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực cho thấy có sự thay đổi trong việc giao dịch thanh toán tại chợ theo hướng số hóa, phi tiền mặt”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, hiện 3 chợ loại 1 còn lại là chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường cũng đang chuẩn bị triển khai ứng dụng thanh toán này.

Ngoài ứng dụng thanh toán từ Viettel Money, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng đang dần làm quen với việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. "Từ khi dịch Covid – 19 đến nay, hầu như các đơn hàng đều bán trực tuyến và chủ yếu được thanh toán bằng hình thức chuyển khoản”, tiểu thương Hồ Thị Ngọc Hà (ngành hàng hải sản khô, chợ Hàn) cho biết.

Báo cáo của Sapo Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát 15.000 nhà bán lẻ trong cả nước cho thấy, dịch Covid – 19 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hình thức thanh toán không tiền mặt. Chuyển khoản đã vượt lên trên tiền mặt trở thành phương thức thanh toán được chấp nhận phổ biến nhất tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, quán ăn, quán café với 36,5% (so với tiền mặt là 29,8%). Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các ví điện tử đã đưa hình thức thanh toán này lên vị trí thứ 3 trong loại hình thanh toán được chấp nhận nhiều nhất.

89,3% nhà bán lẻ đánh giá tích cực về hình thức thanh toán không tiền mặt và coi đó là xu hướng hiện tại và tương lai. Sapo Việt Nam dự đoán trong thời gian tới sẽ có rất nhiều công cụ thanh toán không tiền mặt mới ra mắt thị trường, tạo nên sự đa dạng, linh hoạt và giảm thiểu khó khăn cho đơn vị bán lẻ, trong đó có các đơn vị bán lẻ tại TP. Đà Nẵng.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: thành phố Đà Nẵng

Tin cùng chuyên mục

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày