Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản Tư liệu Thế giới Châu bản triều Nguyễn
Chiều 24/3, tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) phối hợp với Trung tâm lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn” nhằm tái hiện bức tranh chân thực về truyền thống vươn khơi bám biển của tiền nhân.
Khai mạc triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn” |
Đây là hoạt động kỉ niệm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng 29/3, và 5 năm Nhà Trưng bày Hoàng Sa khánh thành và đi vào hoạt động, 28/3/2018.
Tại triển lãm đã công bố lần đầu gần 100 văn bản lưu hình dấu và bút tích vua phê là những sử liệu tín thực góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng trong lịch sử và nhiều thông tin giá trị tới công chúng. Nội dung triển lãm được chia làm 3 phần Vịnh cảng vùng biển Đà Nẵng - Vị thế giao thương quan trọng thời Nguyễn; Hoạt động đảm bảo an ninh vùng biển Đà Nẵng – Quảng Nam thời Nguyễn; Thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn.
Triển lãm giới thiệu lần đần 100 văn bản lưu hình dấu và bút tích vua phê là những sử liệu tín thực góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng trong lịch sử |
Đáng chú ý, trong phần triển lãm “Thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn” đã trưng bày, giới thiệu những sử liệu tín thực khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
Theo ghi chép trong nhiều bản đồ và thư tịch cổ thì quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc lãnh thổ Việt Nam. Sử liệu Châu bản triều Nguyễn viết: “xứ Hoàng Sa thuộc hải cương nước ta, hàng năm có lệ sai phái thuyền binh ra khảo sát để quen đường biển”. Thực tế, từ sớm các chúa Nguyễn đã quản lý và lập đội Hoàng Sa để phái đi khai thác sản vật ở quần đảo này.
Giới thiệu các hình ảnh, tư liệu, bài báo khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam |
Kế thừa truyền thống vươn khơi bám biển của tiền nhân, vua Gia Long tiếp tục sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa để đi “thăm dò đường biển” và khai thác sản vật ở xứ Hoàng Sa. Sau khi nối ngôi, vua Minh Mạng đẩy mạnh hoạt động quản lý trên quần đảo này, sai phái binh dân ra khảo sát, đo vẽ bản đồ, cắm mốc đánh dấu những nơi đã tới, cứu hộ tàu thuyền gặp nạn khi qua hải phận... Những hoạt động đó trở thành định lệ và được các vua kế nhiệm thực thi để bảo vệ vùng hải cương này.
Triển lãm thu hút đông người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu |
Bên cạnh tư liệu châu bản triều Nguyễn, triển lãm lần này cũng giới thiệu các hình ảnh, bản đồ về Hoàng Sa. Trong đó có bản đồ huyện đảo Hoàng Sa mới nhất bằng tiếng Việt và tiếng Anh của Nhà xuất bản Tài Nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam.
Triển lãm cũng giới thiệu các hình ảnh về thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp, các hoạt động kinh tế biển sôi động, các hình ảnh vươn khơi bám biển Hoàng Sa của các ngư dân, các hình ảnh về hoạt động bảo vệ vùng biển của các lực lượng chức năng, cứu hộ trên biển; hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.