Đà Nẵng: Hơn 1.700 tỷ đồng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán 2020
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân phối lớn dự trữ nguồn hàng dồi dào
Để phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Sở Công Thương Đà Nẵng đã làm việc với các đơn vị sản xuất, phân phối, kinh doanh trên địa bàn chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với tổng giá trị 1.749 tỷ đồng. Trong đó, tổng số hàng hóa thiết yếu dự trữ của 12 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia dự trữ gồm: 136 tấn gạo, nếp các loại; gần 1.200 tấn thịt các loại; 1.266 tấn rau củ quả các loại; hơn 1.000 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, thực phẩm khô, bánh kẹo mứt, hạt dưa các loại... giá trị khoảng hơn 414 tỷ đồng.
Nguồn hàng dự trữ ở các siêu thị, trung tâm thương mại dồi dào, phong phú |
Ông Lê Quang Thanh - Phó Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng - cho biết, nhằm giảm tải áp lực mua sắm và giảm thiểu tình trạng thị trường ghim hàng chờ Tết để tăng giá, siêu thị Co.opmart Đà Nẵng đã bắt đầu áp dụng chương trình giảm giá hàng Tết sớm. Chương trình khởi động từ ngày 28/11/2019 với nhóm hàng hóa có thể tích trữ dần cho Tết như đồ nhựa gia dụng, dụng cụ nhà bếp, các loại hóa phẩm và hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân. Đây đều là những mặt hàng mà người tiêu dùng có thể tranh thủ mua ngay từ bây giờ để tránh “giá tết”. Những tuần cận Tết tiếp theo, Co.opmart Đà Nẵng sẽ luân phiên giảm giá hàng thời trang, gia vị, các loại thực phẩm khô, càng cận tết sẽ giảm giá bánh kẹo, giỏ quà tết, bánh mứt, trái cây, các loại thịt tươi,…
Sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết đã lên kệ hàng siêu thị với các ưu đãi giảm giá để kích cầu tiêu dùng |
Từ những tháng giữa năm, Co.opmart Đà Nẵng đã tích cực phối hợp với các nhà cung cấp có kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 30% đến 40% để chủ động điều tiết giá hàng hóa Tết, giúp người tiêu dùng mua sắm Tết an toàn và tiết kiệm. Siêu thị đã triển khai kế hoạch chủ động nguồn cung từ rất sớm và tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống. Nhóm hàng nhãn riêng cũng tham gia những sản phẩm mới phục vụ Tết như các loại hạt, mứt, bánh kẹo, nước giải khát, đặc sản 3 miền với giá tốt. Việc chủ động tạo trữ lượng hàng hóa dài hạn cũng giúp Co.opmart Đà Nẵng và các nhà cung cấp có kế hoạch sản xuất phù hợp, từ đó giảm chi phí nên có thể giảm giá sản phẩm, chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Riêng mặt hàng thịt sẽ không lo thiếu hàng, không những đã chuẩn bị xong hơn 10 tấn thịt heo an toàn đảm bảo giá thấp hơn thị trường từ các đơn vị cung cấp lớn như Vissan, Meat Hà Nam,... để tích cực tham gia bình ổn giá, Saigon Co.op còn chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy sản, hải sản,… luân phiên giảm giá để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Theo đại diện Big C Đà Nẵng, năm nay, hệ thống Big C đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Canh Tý 2020 tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi nhà cung cấp đều có gam hàng rất phong phú, kể cả hàng cao cấp. Riêng mặt hàng bánh kẹo mứt, BigC chuẩn bị khoảng 2.200 tấn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân. Để kích cầu tiêu dùng, Big C triển khai chương trình giảm giá “Vui Tết Việt”, chương trình khóa giá với 10.000 sản phẩm trong 6 tuần trước Tết, Big C sẽ giữ giá cố định như đã niêm yết đối với hơn 10.000 sản phẩm này để bình ổn giá thị trường dịp Tết.
Các tiểu thương Đà Nẵng đã sẵn sàng cho mùa mua sắm, tiêu dùng lớn nhất của năm |
Tiểu thương các chợ truyền thống “sẵn sàng” vào vụ Tết
Tại các chợ truyền thống, các tiểu thương cũng đã sẵn sàng cho mùa mua sắm, tiêu dùng lớn nhất của năm. Ông Đàm Văn Tẩu – Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ - Sở Công Thương Đà Nẵng - cho biết, gần 5.000 hộ kinh doanh tại 4 chợ lớn của thành phố như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối nông sản Hòa Cường đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán ước khoảng hơn 535 tỷ đồng. Riêng chợ đầu mối Hòa Cường vào những ngày giáp Tết, lượng rau, củ, quả dự trữ từ 800-900 tấn/ngày. Ngoài ra, một số chợ lớn khác trên địa bàn thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết ước khoảng 300 tỷ đồng.
Công ty đã có kế hoạch trang trí đón Tết tại 4 chợ và vận động các hộ kinh doanh chỉnh trang, trang trí quầy chợ của mình để thu hút người tiêu dùng. Cận Tết, hưởng ứng tháng bán hàng khuyến mại của thành phố, công ty có kế hoạch cho các hộ kinh doanh triển khai chương trình khuyến mại, kích cầu.
“Về giá cả, công ty tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Qua theo dõi, giá cả không có biến động nhiều qua các năm (ngoại trừ thịt heo theo tình hình chung của cả nước). Bên cạnh đó, công ty phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, ban quản lý ATTP để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, dán mã QR code”, ông Tẩu cho hay.
Cô Kim Ngọc – quầy hàng Hùng Phú, kiốt 01 – HV, chợ Cồn - hào hứng cho biết, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng bánh kẹo mứt đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết từ sớm bởi vì “kinh doanh các mặt hàng này thì cả năm mới có một mùa cao điểm”, nhiều nhà cung cấp đã chú ý nhiều hơn đến bao bì sản phẩm và thị hiếu, vị giác khách hàng mà cho ra nhiều mẫu mã, chủng loại mới. “Giá cả các mặt hàng hiện chưa có biến động nhiều, nên dự kiến trong cao điểm Tết giá chỉ tăng nhẹ so với ngày thường khoảng 5 – 10%, nếu nhu cầu tăng vọt phải nhập thêm hàng hóa thì có thể tăng hơn khoảng 10 – 15% do cước vận chuyển. So với Tết Nguyên đán năm ngoái, giá cả các mặt hàng năm nay cũng tương đương. Tất cả các sản phẩm đều có dán tem truy xuất nguồn gốc QR code. Đây là lời đảm bảo, cam kết của người bán về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm đến người tiêu dùng”, cô Kim Ngọc cho biết thêm.
Các đơn vị thành viên của Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về dán nhãn hàng hóa, dán tem QR code, niêm yết giá của các tiể thương |
Còn chị Trương Thị Thanh Minh (con gái út Dì Cẩn) – cửa hàng đặc sản mắm Dì Cẩn (chợ Hàn) - cho biết, vì đặc thù chợ Hàn là chợ du lịch nên sức tiêu thụ hàng hóa là các đặc sản như mắm Dì Cẩn cũng khá tốt. Riêng dịp Tết Nguyên đán sức mua cao hơn hẳn ngày thường. “Khách mua là người tiêu dùng Đà Nẵng cũng có mà các tỉnh thành khác cũng có. Sức mua trong những ngày giáp Tết Nguyên đán tăng khoảng gấp 3 lần ngày thường. Ngoài việc đến trực tiếp gian hàng thì người tiêu dùng có xu hướng mua sắm online, mua qua điện thoại, giao hàng tận nơi”.
Ngoài ra, các thương nhân kinh doanh tại hệ thống cửa hàng ở các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá trị ước khoảng 500 tỷ đồng. Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, các đầu mối và cửa hàng bán lẻ cam kết đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt hàng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn thành phố.