Đà Nẵng: Gần 200 sinh viên đăng ký nhóm dự án khởi nghiệp 2023
Khởi động từ tháng 2/2023, đến nay, cuộc thi đã thu hút được 42 dự án khởi nghiệp đăng ký tham gia đến từ các nhóm khởi nghiệp với 167 thành viên là sinh viên ở 17 khoa chuyên môn. Số lượng các dự án khởi nghiệp được trải đều ở 3 lĩnh vực ứng dụng cao: kỹ thuật, thương mại - dịch vụ và y tế - sức khoẻ.
Khởi động từ tháng 2/2023, đến nay, cuộc thi đã thu hút được 42 dự án khởi nghiệp đăng ký tham gia |
Đây là cuộc thi khởi nghiệp lần thứ 2 được tổ chức, dành cho sinh viên ở tất cả các khối ngành đào tạo tại trường. Cuộc thi năm nay cũng được ghi nhận là năm có số lượng dự án tăng gần gấp đôi so với năm đầu tổ chức, chất lượng các dự án đồng đều, tính ứng dụng và khả năng phát triển dự án cao. Tổng cơ cấu giải thưởng lên đến hơn 50 triệu đồng.
Phát biểu tại chương trình, ông Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp & đổi mới sáng tạo ĐH Đông Á nhấn mạnh: “Không dừng lại ở quy mô một cuộc thi với những ý tưởng, từ năm 2021 đến nay, ĐH Đông Á hướng mục tiêu phát triển khởi nghiệp sinh viên trở thành một trong số các chuẩn đầu ra dành cho sinh viên ở từng ngành đào tạo; tạo không gian thúc đẩy sinh viên thực học – thực nghiệp bằng chính chuyên môn được đào tạo và theo đuổi đam mê nghề nghiệp ngay từ giảng đường để sẵn sàng phát triển tương lai.”
Ngay sau lễ phát động, Ban cố vấn khởi nghiệp cho sinh viên ĐH Đông Á cũng chính thức ra mắt với 10 thành viên. Các thành viên đến từ các trung tâm hỗ trợ - vườn ươm khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo quốc gia NSSC, Trung Tâm hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp TP. Đà Nẵng, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn – Songhan Incubator (SHi), Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), Công ty TNHH MTV Đồ hộp Hạ Long (Masan), Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng cùng các giảng viên, nghiên cứu viên về khởi nghiệp tại ĐH Đông Á.
Cùng nhau thảo luận trao đổi các vấn đề tại chương trình |
Theo BTC, cuộc thi được diễn ra từ 20/2-15/6 với 3 vòng thi: Tìm kiếm vấn đề - Phát triển vấn đề - Chung kết. Trong hành trình đó, các thành viên Ban cố vấn khởi nghiệp sẽ đồng hành cùng các nhóm dự án trong vai trò “mentor” xuyên suốt các chặng của cuộc thi. Theo đó, các dự án khởi nghiệp sinh viên sẽ được hướng dẫn phương pháp, chia sẻ kiến thức khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển ý tưởng và hoàn thiện dự án. Đồng thời các “mentor” cũng sẽ tham gia hỗ trợ gọi vốn, kêu gọi đầu tư và thương mại hoá sản phẩm đối với các dự án được đánh giá triển vọng về mức độ ứng dụng và tính khả thi cao.
Sau lễ phát động, các nhóm dự án cũng sẽ được tham gia ngay các buổi huấn luyện về khởi nghiệp, lên kế hoạch đầu tư ý tưởng dự án và các kỹ năng gọi vốn, thuyết trình – đàm phán cùng chuyên gia để chuẩn bị các điều kiện phù hợp cho vòng thi tiếp theo.
Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra phiên trình bày các tham luận về “Hình thành ý tưởng, phát triển ý tưởng khởi nghiệp”, “Quy trình hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng”. Bên cạnh đó là phiên chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp từ các doanh nghiệp khởi nghiệp là đối tác và cựu sinh viên nhà trường; phiên toạ đàm, đối thoại trực tiếp giữa ban cố vấn khởi nghiệp với các nhóm dự án đang triển khai và các bạn sinh viên đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp trong tương lai.
Trước đó, Đại học Đông Á cũng đã thành lập và đi vào hoạt động không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với mức đầu tư xây dựng ban đầu hơn 1 tỷ đồng trên tổng diện tích 800 m2. Đồng thời, Quỹ hỗ trợ sinh viên sáng tạo khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học ĐH Đông Á cũng dành ưu tiên đến 2 tỷ đồng đồng hành, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng cao và phát triển các dự án sáng tạo khởi nghiệp sinh viên.