Thứ hai 25/11/2024 14:30

Đà Nẵng: Cước vận tải biển tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu không dám nhận đơn hàng mới

Doanh nghiệp xuất khẩu TP. Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn do chi phí logistics đường biển tăng cao, một số doanh nghiệp thậm chí không dám nhận đơn hàng xuất khẩu.

Hủy hoặc không dám nhận đơn hàng

Ông Dương Tiến Lâm - Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Logistics Việt Nam tại TP. Đà Nẵng - cho biết, từ tháng 4/2024, cước vận tải container đường biển tăng mạnh trở lại, đỉnh điểm như thời gian dịch Covid-19, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi phí logistics tăng cao, một số doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng thậm chí không dám nhận đơn hàng

Theo ông Lâm, ngoại trừ cước đi thị trường Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc) và một số nước Đông Nam Á không thay đổi nhiều, còn lại cước đi các thị trường như châu Âu, Hoa Kỳ, Nam Á bị tăng lên rất cao.

Đại diện Hiệp hội Logistics khuyến nghị, doanh nghiệp cần tính toán việc vận chuyển hàng hóa vì điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng tồn kho, hiệu quả hoặc việc giao, bán các đơn hàng để đảm bảo không bị thiệt hại. “Từ thực tế trong thời điểm dịch Covid-19, đã có một số đơn vị tồn kho quá lớn ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền, thậm chí phá sản. Từ giờ đến cuối năm 2024 có nhiều dự đoán khác nhau, các kịch bản khác nhau, tuy nhiên điểm chung là đang biến động rất lớn, vì vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải tính toán”, ông Dương Tiến Lâm khuyến cáo.

Là doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, bà Mai Thị Ý Nhi - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food - cho biết, hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn với các lô hàng đi thị trường EU và Hoa Kỳ. “Giá trị hàng hóa của doanh nghiệp không lớn, trong khi giá cước vận tải biển tăng quá cao, chiếm tới hơn 50% phi phí nên chúng tôi rất khó khăn trong quyết định có nhận đơn hàng hay không”, bà Nhi nói và cho biết thêm: “Hiện nay giá nguyên liệu đầu vào của đơn vị cũng đang tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh, vì vậy, trong thời gian này, thậm chí doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng mới từ thị trường EU và Hoa Kỳ”.

Doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn về chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics

Giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với đối tác

Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng đang vào mùa hàng mới. Ông Huỳnh Trinh - Giám đốc công ty - cho biết, đơn vị may mắn hơn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, lâm sản tại miền Trung là đã có đơn hàng ổn định của đối tác truyền thống đến từ thị trường EU. Tuy nhiên, chi phí logistics tăng cũng làm giảm lợi nhuận của đơn vị.

Theo đại diện công ty, đơn vị ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác giao hàng tại cảng Đà Nẵng, nghĩa là bên mua hàng chịu chi phí vận chuyển. “Về lý thuyết, chi phí logistics tăng thì bên mua chịu, nhưng do giá tăng quá cao nên phía đối tác đã đàm phán với công ty để giảm một phần giá thành sản phẩm. Chúng tôi cũng chia sẻ khó khăn với đối tác, chấp nhận giảm lợi nhuận để đôi bên cùng vui vẻ”, ông Huỳnh Trinh cho hay.

Ông Trinh thông tin thêm, việc giảm giá mỗi lô hàng có thể từ 3 – 10% tùy đợt hàng và tùy chi phí vận tải biển thời điểm đó. “Chấp nhận là lợi nhuận giảm, nhưng làm ăn thì có lúc này lúc kia. Đổi lại chúng tôi có đơn hàng ổn định, duy trì việc việc thường xuyên, ổn định và đảm bảo chế độ cho người lao động”, đại diện Công ty Lâm đặc sản Đà Nẵng nói.

Để ứng phó tạm thời với chi phí vận tải biển, Công ty Mỹ Phương Food lựa chọn tạm dừng nhận các đơn hàng mới tại thị trường EU và Hoa Kỳ. “Mới đây chúng tôi đã phải từ chối một số đơn hàng tại thị trường EU và Hoa Kỳ. Phía đối tác mới cũng đồng tình với quyết định này do giá thành sản phẩm bị đội lên quá cao so với giá xuất xưởng”, bà Nhi cho hay. Theo bà Nhi, đơn vị chủ trương ở thời điểm hiện tại tạm thời không phát triển thêm khách hàng mới, cố gắng giữ giá không tăng cho các đơn hàng đã nhận.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì việc làm cho người lao động

70% doanh thu của Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đến từ xuất khẩu. Trong đó, thị trường chính là Hoa Kỳ. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng giám đốc DRC - cho biết, trong xu hướng cạnh tranh vô cùng khốc liệt, logistics chiếm vai trò quyết định đối với xuất khẩu khi Việt Nam chưa có các hãng vận tải lớn để đồng hành cùng doanh nghiệp. Đơn cử như Thái Lan, chính phủ có chính sách hỗ trợ cho chi phí logistics. Bởi vậy, cùng một container hàng từ Thái Lan xuất khẩu đi Hoa Kỳ luôn có chi phí thấp hơn 100 - 200 USD so với Việt Nam.

Theo ông Nhựt, trong giai đoạn hiện nay, khi chi phí vận tải tăng mạnh, doanh nghiệp phải nỗ lực để có sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh để tăng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Nhựt cũng mong muốn sẽ có thêm những hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý thông qua việc kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu có cùng điểm đến tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Hoa Kỳ để đảm bảo có dung lượng container lớn, từ đó có sơ sở đàm phán giá với các hãng tàu, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí logistics.

Thông tin từ Cục Thống kê Đà Nẵng, 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa thành phố ước đạt hơn 1,87 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, xuất khẩu ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 3,7%; nhập khẩu hơn 768 triệu USD, tăng 24,9%. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì đà xuất siêu hơn 334 triệu USD.
Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: thành phố Đà Nẵng

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính