CôngThương - Riêng với ngân hàng, lĩnh vực từng làm nên tên tuổi của ông và thương hiệu Sacombank, ông chia sẻ là sẽ quay lại khi thời điểm thuận lợi và bản thân thích thú.
* Suốt hơn một năm qua sau sự cố Sacombank, ông đã ở đâu và làm gì?
- Sau khi sự việc xảy ra, tôi xem đây như là dịp nghỉ ngơi và chiêm nghiệm lại những gì đã làm. Tôi cùng bà xã đi du lịch một số nước để lấy lại năng lượng bắt đầu cho một giai đoạn mới.
* Trở lại thương trường lúc này, vì sao ông không quay về với ngành tài chính ngân hàng mà quyết định gắn bó với mía đường?
- Quá trình phát triển của Thành Thành Công suốt gần 35 năm qua luôn được biết đến với lĩnh vực mía đường. Gia đình tôi khởi nghiệp từ đây và nay vẫn luôn gắn bó. Và trong suốt 20 năm trực tiếp tham gia lĩnh vực tài chính, tôi vẫn quan tâm ngành mía đường, cố vấn và sát cánh cùng sự phát triển của Thành Thành Công.
Hiện nay, đứng trước các cơ hội lớn nhưng thách thức cũng lớn như lộ trình thực hiện cam kết WTO, AFTA… làm sao để các công ty thành viên của Tập đoàn giữ vững năng lực cạnh tranh, tự tin trên sân nhà, tôi dồn toàn lực vào công tác quản trị với mong muốn đưa Tập đoàn có một bước tiến mới.* Ông có những ý tưởng gì để tin doanh nghiệp đường của mình sẽ phát triển lên tầm cao mới?
- Nguyên tắc của tôi trước giờ là khi bắt tay vào làm việc gì cũng phải có trách nhiệm cao nhất và toàn tâm toàn ý với nó. Ngay khi về Thành Thành Công, tôi đã trực tiếp chia sẻ, trao đổi với các cán bộ về quan điểm cũng như giải pháp: "Làm sao nông dân phải có lời, nhà máy đường có lãi và Việt Nam có thể xuất khẩu đường".
Năng lực cạnh tranh phải đến từ việc giải quyết gốc rễ vấn đề của nền kinh tế thị trường, giá cả cạnh tranh, chất lượng đảm bảo. Có như vậy mới xóa tan đi được “nỗi ám ảnh” về đường Thái Lan - cường quốc láng giềng về đường với mức xuất khẩu trên 11 triệu tấn một năm.
Tôi xác định thách thức lớn nhất của ngành mía đường chính là vấn đề vùng nguyên liệu. Với vấn đề “đầu vào” này, chúng tôi hướng đến các chính sách đầu tư dài hạn và ổn định cho người nông dân, các bên cùng có lợi.
Để chủ động tìm ra giống mía phù hợp, chúng tôi đã bắt tay vào thành lập Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng mía đường gần 2 năm nay và tập trung các giải pháp về nông nghiệp và kỹ thuật như kênh mương nội đồng, công trình dẫn thuỷ, tưới tiêu đồng bộ, cải tiến vận chuyển, nâng cao và đảm bảo hiệu suất thu hồi...
Phải nói, công tác vận hành có ý nghĩa hết sức quan trọng, tôi đã phổ biến cho cán bộ ngành đường Thành Thành Công quan điểm “dù có cánh đồng bất tận, nhà máy hiện đại mà quản lý yếu kém cũng dẫn đến thất bại”.
Sau hàng loạt những biện pháp cải cách, trữ đường bình quân hiện nay của Thành Thành Công đã tăng hơn 1,5 CCS so với mùa vụ trước. Giá thành công xưởng đã giảm đáng kể xuống 11.000 đồng. Chúng tôi tự tin có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho cây mía Việt Nam, và hướng tới xuất khẩu.
Để gia tăng năng lực cạnh tranh, chúng tôi tận dụng và phát huy tối đa những sản phẩm sau đường, nổi trội nhất là đồng phát điện từ bã mía. Các nhà máy đường của Thành Thành Công hiện nay có tổng công suất nhiệt điện khoảng 100 Mw và tiếp tục phát triển, trong đó riêng Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh khoảng gần 30 Mw, góp phần cung ứng khoảng 46% lượng điện tiêu dùng của tỉnh Tây Ninh. Bên cạnh điện, Tập đoàn cũng đang xây dựng nhà máy cồn với công suất 24 triệu lít một năm.
* Điều gì thú vị ở ngành mía đường có thể lôi cuốn ông đến vậy?
- Nói thật lòng thì tôi đang rất say sưa với cây mía và ngành nông nghiệp. Tôi đã cùng với các cán bộ sát cánh trong từng công đoạn. Và một khi thực sự đã có niềm đam mê, bạn sẽ cảm thấy thú vị.
Ví dụ như về việc cơ giới hóa, bởi đặc điểm của vùng nguyên liệu mía Việt Nam là khó có khả năng tạo diện tích rộng lớn và liền mạch. Bên cạnh việc quy hoạch các cánh đồng mẫu lớn, thì với các diện tích còn lại, chúng tôi nghiên cứu và “may từng cái áo cho nông dân”: Diện tích nào, đặc điểm ra sao, công tác cơ giới hóa sẽ thực hiện sao cho tối ưu và hiệu quả nhất?
Chúng tôi cũng thường tham gia các chương trình khuyến nông, với những nơi mà canh tác lúa một vụ hay hai vụ chưa hiệu quả thì khuyến khích bà con chuyển sang trồng mía và đảm bảo với họ sẽ có lời. Khi làm được những việc như vậy, tôi thấy cuộc sống này rất có ý nghĩa.
* Gia đình ông từng được biết đến như là nơi hội tụ những doanh nhân giỏi (4 thành viên trong gia đình đều tham gia kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp). Sau biến cố vừa qua, nhiệt huyết kinh doanh của các thành viên thay đổi thế nào?
- Trong cuộc sống, bao giờ cũng phải có những sóng gió, thăng trầm. Đặc biệt với vai trò một doanh nhân khó tránh khỏi những biến cố như vậy. Nên tôi đã từng chia sẻ quan điểm “doanh nhân có tuổi thọ mà doanh nghiệp không có tuổi thọ”.
Tôi tâm niệm, nếu đã tâm huyết và nỗ lực, đã xây dựng được doanh nghiệp lớn mạnh thì khi rời xa doanh nghiệp cũng sẽ được kế thừa những điểm thuận lợi để tiếp tục phát triển, mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Làm được như thế, đó là các “chiến sĩ thời bình”.
* Dù rằng những điều vừa xảy ra sẽ giúp cho bản thân ông và gia đình tăng thêm sức mạnh cũng như sự bản lĩnh trên thương trường, nhưng có lúc nào ông cảm thấy loé lên sự nuối tiếc?
- Chắc chắn là có. Bởi, Sacombank từng được xem là tâm huyết lớn của tôi. Tôi và các cộng sự đã xây dựng chiến lược phát triển cho Ngân hàng đến năm 2020, nhưng chưa đi hết quãng đường này. Tôi cho rằng không chỉ cá nhân tôi mà kể cả ai ở vị trí của mình cũng đều phải tiếc nuối…
Tuy nhiên, như tôi trao đổi, tất cả đã lùi lại phía sau. Bạn có hình dung về khái niệm “đời doanh nhân” không, nếu đã xác định kinh doanh là sứ mệnh thì ở lĩnh vực và vai trò nào, doanh nhân cũng sẽ tìm kiếm cơ hội để gầy dựng và phát triển.
* Vậy để thực hiện tiếp những hoài bão còn dang dở, liệu ông có quyết định trở lại với lĩnh vực này?
- Hiện nay tôi thấy chưa phù hợp để tham gia vào thị trường tài chính. Đến một thời điểm mà tôi thấy mọi thứ đều thuận lợi và bản thân thích thú thì sẽ quay lại. Tôi luôn quan niệm rằng, đã là doanh nhân, khi có điều kiện và có thể đóng góp được gì cho đất nước, cho xã hội thì tôi sẵn sàng làm.