Cử tri lo ngại giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao
Chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện 4 tháng năm 2022 của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện 4 tháng năm 2022 của Quốc hội chiều 11/5 |
100% kiến nghị cử tri được xử lý đúng quy định
Theo ông Dương Thanh Bình -Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng rất cao về các nội dung được Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương lần thứ năm, nội dung Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội trong đó có nhiều nội dung quan trọng có tác động tích cực, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội.
Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm về dự kiến các nội dung được Quốc hộixem xét thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3. Trong đó, một số dự thảo Luật được đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị tại các Kỳ họp trước. Một số chủ trương, dự án có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng kinh tế.
Ông Dương Thanh Bình cũng phản ánh, cử tri và nhân dân quan tâm, lo lắng về tình hình cháy nổ tại các nhà máy, nhà xưởng…, diễn ra liên tiếp trong thời gian qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bên cạnh đó, giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao trong khi giá sản phẩm nông nghiệp không tăng, người sản xuất nông nghiệp không có lãi, đời sống gặp nhiều khó khăn. Vì lý do đó người nông dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân cho rằng thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện suốt hơn 2 năm qua đã góp phần mang lại nhiều thành quả chống dịch cho Việt Nam, tuy nhiên, cần nghiên cứu để hướng dẫn cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại trước và sau Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất gửi đến, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển tổng số 2.848 kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trưởng Ban Dân nguyện nêu cụ thể, đến nay 100% kiến nghị cử tri đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, trả lời và Ban Dân nguyện đang phối hợp với Văn phòng Quốc hội để đưa lên Phần mềm ứng dụng thông qua thiết bị di động nhằm giúp đại biểu Quốc hội tra cứu kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri để phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động giám sát.
Đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc cử tri
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 4 tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp tục tăng so với tháng trước.
Ban Dân nguyện thống kê, tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 324 lượt với 1.128 công dân đến trình bày 321 vụ việc, trong đó khiếu nại 180 việc, tố cáo 40 việc, kiến nghị, phản ánh 38 việc; có 39 lượt đoàn đông người đến trình bày về 38 vụ việc (tăng 159 vụ việc và tăng 19 đoàn đông người so với tháng trước).
Ngoài ra, trong kỳ báo cáo, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã tiếp 326 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 203 vụ việc, có 10 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 31 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 12 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 177 vụ việc.
Báo cáo cũng nêu rõ, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư tiếp tục được các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu quốc hội và đại biểu Quốc hội thực hiện thường xuyên và ngày càng đi vào nề nếp.
Việc nghiên cứu những đơn thư khiếu nại, tố cáo có căn cứ để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết được quan tâm chú trọng, đảm bảo thực hiện đúng quy định góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. “Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được tăng cường hơn; việc theo dõi, đôn đốc, rà soát kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được chú trọng, quan tâm nhiều hơn và đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài”- báo cáo chỉ ra.
Tuy nhiên báo cáo cũng đề cập đến công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo chủ yếu dừng lại ở việc tiếp nhận, phân loại, chuyển đơn công dân khiếu nại, tố cáo có căn cứ đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. “Hoạt động giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa thực hiện được nhiều, việc theo dõi, đôn đốc đối với đơn thư đã chuyển chưa quyết liệt, nhất là đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát”- Trưởng Ban Dân nguyện lưu ý.
Theo đó, Ban Dân nguyện đã đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân tại địa phương để định kỳ hàng tháng tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc, kéo dài ở địa phương.