TikToker Nờ Ô Nô nói gì khi bị cộng đồng mạng tẩy chay vì lợi dụng người nghèo để câu view? TikToker Nờ Ô Nô “miệt thị người nghèo” phải đối mặt với mức phạt gì của pháp luật? |
Nỗi sợ vô hình
Trong phòng trọ bé xíu như hộp diêm xẻ nửa, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thông (65 tuổi, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) thay nhau chăm 2 đứa cháu ngoại bị mẹ ruột bỏ từ lúc mới lọt lòng.
Sau khi chuẩn bị xong bữa chiều đơn sơ cho chồng và cháu ngoại, bà đợi trời nhá nhem tối để ra ngoài nhặt ve chai. Sau vụ ồn ào từ video của TikToker Nờ Ô Nô, bà Thông không dám ra ngoài đường vào ban ngày.
Nhắc đến chuyện đã qua, bà lại rơi nước mắt. Bà kể: “Lúc đó, tôi đang ngồi ăn, cậu ấy đến xin phép chụp hình. Tôi tưởng chỉ chụp hình thôi nên đồng ý. Nào ngờ cậu ấy quay phim rồi gọi tôi là bà già nghèo khổ.
Ban ngày, vợ chồng bà Thông chỉ quanh quẩn trong nhà chăm cháu |
Bị gọi như thế tôi buồn lắm. Tôi cảm thấy bị tổn thương nhưng tôi cố giấu vào lòng. Hôm sau, hàng xóm đến đưa đoạn video cho tôi xem tôi càng buồn hơn vì bị quay phim, xúc phạm và đăng lên mạng xã hội như thế”.
Không biết chữ, bà Thông nhờ hàng xóm đọc tin tức cho mình nghe để hiểu rõ sự việc. Sau đó, trước phản ứng của cộng đồng mạng, TikToker Nờ Ô Nô đã đến nhà xin lỗi bà Thông.
Thấy nam thanh niên hối lỗi, bà Thông quyết định tha thứ. Tuy nhiên sự tổn thương, buồn bã trong lòng bà vẫn chưa nguôi ngoai. Đặc biệt, khi biết tin nam TikToker bị phạt, bà càng thêm sợ hãi.
“Tôi sợ lắm. Mấy hôm nay không dám ra đường vào ban ngày. Tôi sợ ra đường lại bị người ta chụp hình, quay phim đăng lên mạng rồi bị công an mời lên phường. Cuộc sống vợ chồng tôi giờ đã khổ lắm rồi nếu bị công an mời lên, phạt tiền thì biết làm sao”, bà vừa nói vừa lấy tay lau nước mắt.
Bà Thông rơi nước mắt khi nhắc đến lần bị xúc phạm trên video |
Ngồi đút bột cho cháu ngoại, ông Trịnh Hoàng Long (55 tuổi, chồng bà Thông) cũng không cầm được nước mắt. Ông xót xa trước hoàn cảnh éo le của gia đình, nỗi đau của vợ khi bị người khác xúc phạm.
Khó khăn chất chồng
Trước đây, khi khỏe, ông Long cũng đi làm, có tiền phụ vợ trang trải cuộc sống. Thế nhưng 2 năm nay, vợ chồng ông đều đau bệnh đến không thể làm việc nặng. Ông đành phải nghỉ ở nhà trông chờ vào thu nhập từ việc nhặt ve chai của vợ.
Đã thế, ông bà còn đèo bòng, nuôi 2 đứa cháu ngoại bị con gái bỏ lại từ lúc mới lọt lòng. Nhắc đến con, bà Thông sụt sùi nước mắt.
Bà chua xót nói: “Trẻ nuôi con, già không được con nuôi lại mà còn phải nuôi cháu nữa”.
Cuộc sống vốn khó khăn, nay vợ chồng bà Thông còn thêm thắt ngặt khi nuôi 2 đứa cháu bị bỏ rơi. |
Nó sinh đôi thiếu tháng rồi đòi bỏ luôn ở bệnh viện. Tôi thương cháu nên bế về nuôi. Hai cháu nay đã 21 tháng tuổi rồi. Nhờ mạnh thường quân, hàng xóm giúp đỡ bà cháu tôi mới được như thế chứ mẹ cháu từ lúc sinh đến giờ bỏ đi không thăm hỏi gì”.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của bệnh tật và sợ “bị người khác quay hình, bị bắt lên phường”, bà Thông chỉ đi nhặt ve chai mưu sinh vào buổi tối. Dù không yên tâm nhưng bà đành phải để chồng ở nhà chăm sóc 2 đứa cháu ngoại.
Mỗi đêm bà đạp chiếc xe đạp cũ kỹ khắp các tuyến đường nhặt ve chai từ 18h chiều đến 24h khuya. Dù tuổi cao, thân mang bệnh, đêm nào bà cũng phải đi làm vào khung giờ ấy.
Ông Long mong hai cháu ngoại được đi học. |
Trên đường đi, chỗ nào có phát cơm, quà từ thiện, bà lại ghé để nhận hy vọng có cái lót dạ, đem về cho chồng, cháu. Cực nhọc là vậy nhưng mỗi chuyến lang thang nhặt ve chai của bà chỉ thu về từ 20-40.000 đồng.
Số tiền ấy không đủ cho bà trang trải tiền thuê phòng, tiền thuốc cho chồng, tiền sữa, tã cho cháu. Thế nên, những hôm thu nhập ít, bà chỉ đủ tiền mua ít bột cho cháu còn mình và chồng đành ăn mì tôm trừ cơm.
Bà tâm sự: “Ngoài đứa con gái, tôi còn một đứa con trai nhưng nó cũng khổ, chẳng giúp được gì. Chúng tôi già rồi, hay đau bệnh nay lại đèo bòng thêm 2 đứa cháu nên càng thêm khó khăn.
Tôi không thể bỏ các cháu được. Tôi chỉ mong có đủ tiền cho các cháu đi học để yên tâm đi làm kiếm tiền nuôi thân và lo cho cháu”.