Công ty Điện lực Vĩnh Phúc: Hoàn thành tiêu chí điện nông thôn mới
Tích cực triển khai
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Giám đốc PC Vĩnh Phúc - cho biết, là đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, đánh giá và thực hiện tiêu chí số 4 về điện, PC Vĩnh Phúc đã chủ động thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai, làm việc với chính quyền địa phương rà soát đánh giá và đề ra phương hướng khắc phục hệ thống điện ở 112/112 xã trên địa bàn tỉnh.
Đối với các xã do ngành điện quản lý, bán điện trực tiếp, PC Vĩnh Phúc đã đầu tư trung bình tối thiểu là 1,5 tỷ đồng/xã để nâng cấp, cải tạo hệ thống điện, thay thế công tơ bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, phát quang hành lang, lắp đặt tiếp địa, vừa góp phần nâng cao chất lượng điện năng, giảm tổn thất trên lưới điện, vừa cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy cho nhân dân. Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp toàn bộ lưới điện nông thôn sau tiếp nhận từ dự án năng lượng nông thôn (REII, REII mở rộng) và dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn nguồn vốn của ngân hàng Tái thiết Đức, hàng năm, PC Vĩnh Phúc còn đầu tư khoảng 150-200 tỷ đồng để cải tạo lưới điện, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiêu chí điện nông thôn mới.
Đối với các xã do các đơn vị khác quản lý bán điện, công ty cũng đã tham mưu, làm việc với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, đánh giá đưa ra các đề xuất xử lý khắc phục. Bằng trách nhiệm và nỗ lực của mình, tính đến nay, toàn bộ 112/112 xã của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt tiêu chí số 4 theo đúng chỉ tiêu về điện nông thôn mới.
Tiếp tục duy trì chất lượng
Theo ông Nguyễn Hữu Tho, mặc dù các xã được đánh giá thực hiện tiêu chí điện đều đạt nhưng ở khu vực có lưới điện hạ áp do các tổ chức bán điện khác quản lý còn nhiều hạn chế. Cụ thể: lưới điện quá cũ, nhiều hộ sử dụng điện ở xa trục dây chính dẫn đến đường dây sau công tơ phải kéo dài, dây chắp vá nhiều chủng loại, không bảo đảm an toàn, mất mỹ quan, nguy cơ sự cố chạm chập điện cao. Mặt khác, việc đầu tư, quản lý lưới điện chưa tuân thủ đầy đủ quy trình, quy phạm, vì đa số các tổ chức điện tư nhân yếu về năng lực tài chính, quản lý, kỹ thuật chuyên môn, thiếu các trang thiết bị chuyên dụng...
Để bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định, công ty đã xây dựng xong kế hoạch tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở toàn bộ 57 xã, phường, thị trấn để bán lẻ trực tiếp đến hộ gia đình trong năm 2015. Sau khi tiếp nhận, đơn vị sẽ từng bước đầu tư cải tạo lưới điện, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, kinh doanh mua bán điện. Đồng thời tiếp tục đầu tư, cải tạo lưới điện với kinh phí trung bình khoảng 150-200 tỷ đồng/năm cho giai đoạn 2016-2020.
Để làm được điều này, PC Vĩnh Phúc đề nghị chính quyền địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả đến người dân, tuyên truyền ngăn ngừa các hành vi vi phạm hành lang tuyến đường dây, trạm biến áp; tạo điều kiện tối đa đối với các dự án đầu tư, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Việc hoàn thiện tiêu chí điện nông thôn không chỉ giúp Vĩnh Phúc sớm về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới, mà còn giúp bà con được sử dụng điện chất lượng, an toàn, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. |