Công ty CP Than Hà Lầm: Hiệu quả từ cơ giới hóa sản xuất
Mục tiêu của than Hà Lầm năm 2015 là đảm bảo việc làm cho trên 4000 lao động
Làm tốt quản trị chi phí
Trong thời gian qua, Than Hà Lầm tiếp tục đối diện với không ít khó khăn như quá trình đền bù giải phóng khai trường lộ vỉa chậm, không có diện sản xuất kịp cho khai thác than lộ thiên, dẫn tới hụt sản lượng đất bóc. Cùng với đó, diện sản xuất nhỏ, lẻ, phân tán đi xa xuống sâu, nhiều phay phải cắt đá, cung độ vận chuyển xa... đã trở thành những yếu tố bất lợi không chỉ trong hoạt động sản xuất mà còn làm phát sinh chi phí, đội giá thành sản phẩm của công ty lên cao.
Trước thực trạng này, việc tiết giảm chi phí không cần thiết trở thành nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, công ty giao nhiệm vụ kế hoạch sản xuất tới các đơn vị trên cơ sở cân đối các nguồn lực, diện sản xuất để huy động tài nguyên, trang thiết bị, lao động và tổ chức sản xuất hợp lý. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban chủ động nghiên cứu nắm bắt thông tin kinh tế thị trường, giá cả có thể làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nguồn cung cấp vật tư hàng hóa.
Hầu hết vật tư được giao khoán cho phân xưởng thông qua định mức và hạn mức tiêu hao theo sản phẩm, có thanh quyết toán để phân định trách nhiệm quản lý và vật chất thông qua quy chế và chế tài quản lý. Nhờ thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên nên công ty đã tiết giảm đáng kể những chi phí không cần thiết. Điển hình như năm 2014, sau khi bù trừ các yếu tố, công ty đã tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo công ty, năm 2015, Than Hà Lầm tiếp tục đổi mới công tác quản trị chi phí thông qua việc tổ chức giao khoán và hạch toán từng giai đoạn đối với phân xưởng, để tiến tới nghiên cứu hạch toán đầy đủ các chi phí do phân xưởng quản lý; từng bước ứng dụng phần mềm quản trị khoán và hạch toán phân xưởng, nhằm chuyên nghiệp hóa và giảm sức người trong khâu này.
Đẩy mạnh cơ giới hóa
Ông Vũ Thanh Nhàn, Phó giám đốc công ty - cho biết: Hà Lầm đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện việc áp dụng đồng bộ công nghệ mới và cơ giới hóa trong khai thác, đào lò, vận tải… từng bước nâng cao hiệu quả khai thác, tăng sản lượng và đẩy nhanh tiến độ đào lò, tăng mức độ an toàn trong sản xuất, giảm tối đa sức lao động thủ công, giảm chi phí vật tư vật liệu.
Bên cạnh đầu tư công nghệ cho khai thác, Than Hà Lầm đã áp dụng các thiết bị cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ đào lò như: máy Combai, máy khoan, máy xúc, máy cào đá… Trong đó đặc biệt là máy Com bai AM-50Z được công ty đưa vào áp dụng cho các đường lò trong đào than đã góp phần tăng năng suất lao động, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật - an toàn. Công ty đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ mỏ áp dụng thành công chống vì neo chất dẻo cốt thép tại các đường lò đá. Qua đó, góp phần giảm chi phí vật liệu và nhân công trong đào chống lò và nâng cao tốc độ đào lò.
Theo ông Nhàn, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa sản xuất đồng bộ đã góp phần giảm chi phí vật liệu và nhân công trong đào chống lò và nâng cao tốc độ đào lò, khai thác và vận tải, nâng công suất mỗi lò chợ lên 200.000-300.000 tấn/năm.
Năm 2015, Than Hà Lầm tiếp tục triển khai nhiều hạng mục quan trọng, trong đó, tập trung vào dự án 2 lò chợ khai thác cơ giới hóa đồng bộ (1 lò chợ công suất 600.000 tấn/năm và 1 lò chợ công suất 1.200.000 tấn/năm). Đây là dự án trọng điểm duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho trên 4.000 lao động của công ty trong nhiều năm tới. |