Công ty CP đường Quảng Ngãi: Mô hình điểm về áp dụng MFCA
Trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” QNS đã triển khai nhiệm vụ “Xây dựng mô hình điểm về áp dụng MFCA trong doanh nghiệp”. Theo đó, công ty đã áp dụng triển khai tại 3/16 đơn vị là nhà máy Nước khoáng Thạch Bích, nhà máy Bia Dung Quất và nhà máy Bánh kẹo Biscafun.
Ông Huỳnh Thanh Hiệp - Phó trưởng phòng KCS của QNS - cho biết: Đối với nhà máy Bia Dung Quất và Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích, công ty đã xác định hao phí chai thủy tinh được sử dụng trong quá trình chiết rót, đóng chai thành phẩm. Theo đó những chai không đạt yêu cầu sẽ được loại bỏ trước khi đưa vào sản xuất và bên đại lý phải chịu chi phí. Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi đã chuẩn hóa các hướng dẫn kiểm tra, giao nhận két vỏ, chai thủy tinh từ các đại lý chuyển về cũng như rà soát, lập kế hoạch hiệu chỉnh, bảo dưỡng máy móc thiết bị định kỳ cho phù hợp nhằm hạn chế tối đa chai bị bể, mẻ. Sau 9 tháng triển khai, tại nhà máy Bia Dung Quất (từ tháng 2 - 10/2014) tỷ lệ chai không đạt yêu cầu được phát hiện và loại bỏ không tiếp nhận tăng lên so với trước khi áp dụng cải tiến là 0,46%, tương đương với số tiền tiết kiệm được là hơn 1,18 tỷ đồng mỗi năm và ở nhà máy Nước khoáng Thạch Bích là hơn 1,88 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó tại nhà máy Bánh kẹo Biscafun, QNS triển khai áp dụng cho dây chuyền sản xuất bánh Waleys, dây chuyền sản xuất bánh Chocovina, dây chuyền sản xuất kẹo cứng rót khuôn. Đây là những dây chuyền sản xuất có nhiều tổn thất nguyên, nhiên liệu.
MFCA đã xác định hao phí nguyên liệu, phụ gia, nước vệ sinh tại công đoạn nấu siro của dây chuyền sản xuất kẹo cứng; hao phí nguyên liệu kem tại công đoạn kẹp kem của dây chuyền sản xuất bánh Chocovina; hao phí nguyên liệu, phụ gia tại công đoạn nướng bánh của dây chuyền sản xuất bánh Waleys. Thực hiện các giải pháp cải tiến: Lắp đặt hệ thống máng thu hồi nước làm mát bơm; cải tiến tần suất làm vệ sinh của dây chuyền sản xuất kẹo cứng; cải tiến quy trình xả kem của dây chuyền sản xuất bánh Chocovina.
Kết quả áp dụng MFCA đã làm giảm thất thoát chất khô của nguyên liệu trong ca từ 22,11kg xuống 13,42kg; giảm tổn thất nguyên liệu, phụ gia sản xuất của dây chuyền sản xuất bánh Chocovina; xác định tổn thất nguyên liệu, phụ gia tại công đoạn nướng bánh của dây chuyền sản xuất bánh Waleys; giúp tiết kiệm mỗi năm là 175 triệu đồng. Đặc biệt, theo các chuyên gia tư vấn đến từ Viện Năng suất thì nhà máy Bánh kẹo Biscafun có thể được đánh giá như một mô hình điểm cho việc áp dụng công cụ MFCA trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về Năng suất chất lượng.
Như vậy chỉ với việc áp dụng MFCA tại 3 đơn vị, mỗi năm Công ty CP Đường Quảng Ngãi tiết kiệm được trên 3,2 tỷ đồng. Đồng thời phương pháp cũng giúp các đơn vị trong công ty tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực góp phần làm tăng lợi nhuận, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chất thải ra môi trường. Với những lợi ích trên hiện tại Công ty đang tiếp tục triển khai tại 5 công ty/đơn vị thành viên. “Có thể khẳng định, áp dụng MFCA giúp doanh nghiệp giảm được lãng phí từ việc cải tiến quá trình sản xuất giúp tăng hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng bao gồm điện nước, chi phí nhân công, bảo trì, bảo dưỡng và các chi phí phát sinh khác” - ông Huỳnh Thanh Hiệp nhìn nhận.
Bà Vũ Hồng Dân - Trưởng phòng Tư vấn cải tiến Năng suất - Viện Năng suất Việt Nam: MFCA có thể coi là một tư duy khác biệt về tiết kiệm chi phí. Nếu như giá thành nguyên liệu chiếm đáng kể trong cơ cấu giá thành sản phẩm thì doanh nghiệp còn rất nhiều cơ hội cải tiến thông qua MFCA. |