Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 17/9: Vì sao một số cửa hàng xăng dầu ngưng bán?
Tờ Thanh Niên ngày 17/9 đặt câu hỏi: “Không thiếu xăng dầu, sao nhiều cửa hàng ngưng bán”?. Bài báo cho biết, một số cửa hàng xăng dầu tại huyện Cờ Đỏ (Thới Lai - Cần Thơ) đã báo còn dầu, hết xăng, có nơi chỉ bán xăng RON95, xăng E5 RON92 lại hết mấy ngày qua. Một số cây xăng có bán đủ nhưng không bán lượng lớn cho khách mang can đến mua mang về.
Tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương tại khu vực phía Nam, tình trạng xăng dầu vẫn thiếu rải rác, cục bộ tại một vài nơi.
Bài báo dẫn thông tin từ ông P.K - Giám đốc một công ty phân phối xăng dầu phía nam, cho biết các đại lý phân phối tổng cũng không dám nhập hàng về bán hoặc nhập giới hạn vì càng nhập càng lỗ. Ngay lượng xăng dầu của công ty ông nhập về giảm hơn 30%. Một cửa hàng bán lẻ của công ty tại Tiền Giang rao sang nhượng từ tháng 5 đến nay vẫn “chưa có người hỏi”.
Trong khi đó, bà Đ., chủ một cây xăng tại quận Tân Phú cho hay, hoa hồng đến hôm qua (16.9) đã về 0 đồng, hoặc 50 - 90 đồng/lít thì “mua bán làm gì được”. Trong khi cước vận tải mỗi lít xăng mua từ kho Nhà Bè về đến cây xăng là 300 đồng, tiền lương nhân viên, quản lý, hao hụt… càng bán càng lỗ nên bà hạn chế nguồn hàng nhập lại, chờ chiết khấu lên mới dám mua nhiều.
“Oái ăm thay là khi chiết khấu tăng, giá nhập cũng tăng, vòng luẩn quẩn đó đã khiến tháng nào cửa hàng cũng bù lỗ, hoặc huề vốn. Kinh doanh vậy làm sao bền?” bà Đ. nói.
Xuất nhập khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh |
Cũng liên quan đến vấn đề này, tờ Tuổi trẻ có bài: “Đại lý lại kêu khó mua xăng, bán ra chịu lỗ”. Bài báo cho biết, trong khi nguồn cung đang “dễ thở” hơn so với trước thời điểm ngày 2/9, các mặt hàng xăng dầu bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hàng. Nhiều đại lý, thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng than đang bị thua lỗ.
Một thương nhân phân phối xăng dầu than phiền về tình trạng mấy ngày gần đây không tiếp cận được nguồn xăng từ các đơn vị cung ứng. Không những vậy, mức chiết khấu tại nhiều đầu mối đều là 0 đồng, khiến doanh nghiệp khó có đủ nguồn hàng để đảm bảo cung ứng ra thị trường.
Trong khi đó, các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014, khiến doanh nghiệp đầu mối gặp khó trong việc duy trì mức lợi nhuận hợp lý để đảm bảo nguồn hàng, tăng chiết khấu cho doanh nghiệp.
Cũng theo tờ Tuổi trẻ, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng đây là những lý do khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.
Do đó, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định, giúp doanh nghiệp tạo nguồn, đảm bảo hoạt động kinh doanh, tăng chiết khấu cho doanh nghiệp trong hệ thống.
Liên quan đến xuất khẩu, tờ Hải quan có bài: “Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng hơn 15 tỷ USD”. Cụ thể, theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt gần 10 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch trong 8 tháng đầu năm lên 77 tỷ USD, tăng 15,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tốc độ tăng 24,51%.
8 tháng đầu năm, riêng Hoa Kỳ chiếm tới 30,48% tổng kim ngạch xuất khẩucả nước và tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Chiều ngược lại, 8 tháng đầu năm nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ đạt 9,92 tỷ USD, giảm hơn 400 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 8 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ hơn 67 tỷ USD.
Cũng liên quan đến xuất khẩu, tờ Hà Nội mới có bài: “Chủ động trong phòng vệ thương mại: ''Chìa khóa'' thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu”.
Theo bài báo, Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn và tham gia ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới. Năm 2021, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu gần 670 tỷ USD. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu càng lớn càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trên thực tế, phòng vệ thương mại là “van an toàn” đang được nhiều quốc gia sử dụng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu.