Thứ sáu 08/11/2024 06:27

Công tác phòng vệ thương mại: Triển khai đồng bộ, toàn diện, bảo vệ hiệu quả ngành sản xuất trong nước

Cùng với tiến trình hội nhập của đất nước và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, hàng hóa Việt Nam không ngừng gia tăng xuất khẩu, từ năm 2016 tới nay, công tác phòng vệ thương mại (PVTM) được Bộ Công Thương triển khai đồng bộ, toàn diện, chủ động, kịp thời bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng.

Hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ

Đến nay, theo Bộ Công Thương, công tác PVTM, bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế đã được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về PVTM, trong đó chúng ta đã có Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 (có một chương riêng về PVTM, thay thế các Pháp lệnh cũ), Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM cùng các Thông tư hướng dẫn về cơ bản tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế để triển khai công tác PVTM hiệu quả hơn. Thực hiện Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 98/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Cơ quan quản lý Nhà nước về PVTM (Cục PVTM) đã được thành lập để làm đầu mối triển khai công tác quản lý nhà nước về PVTM.

Các biện pháp PVTM đang bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hàng loạt các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực PVTM như Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ (Đề án 824), Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM.

Việc ban hành các chương trình, đề án thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh các biện pháp PVTM của các nước, qua đó bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, hướng tới chủ trương xuất khẩu bền vững.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ đã ban hành Quyết định số 755/QĐ-BCT ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025. Chương trình tổng thể này, cùng với các văn bản pháp luật liên quan, sẽ tạo nền tảng cho việc triển khai các chính sách, biện pháp về PVTM phù hợp với cam kết quốc tế để phát triển các ngành sản xuất trong nước, thực hiện thành công các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Bộ cũng ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT ngày 19/5/2020 triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.

Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến PVTM của Việt Nam ra đời muộn so với các quốc gia khác trên thế giới, nhưng hiện nay cơ bản đã hoàn thiện và đồng bộ, cùng với đó là hàng loạt các chương trình, đề án lớn về PVTM đã được ban hành, triển khai, các biện pháp PVTM kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, từ đó cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất; góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Chủ động bảo vệ lợi ích ngành sản xuất trong nước

Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự chủ động, triển khai, áp dụng kịp thời công tác PVTM đã đạt kết quả đạt mang tính dấu ấn, thể hiện rõ nét trong khởi kiện, kháng kiện và đấu tranh chống lẩn tránh thuế PVTM, gian lận xuất xứ.

Theo đó, về khởi kiện, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước; bảo vệ cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trong nước trong các vụ việc chống bán phá giá với ước tính chiếm khoảng 5,12% tổng GDP Việt Nam năm 2019. Đặc biệt, nhờ công cụ PVTM, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.

Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện PVTM từ nước ngoài

Tính đến nay, Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường.

Đáng chú ý, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tiến hành khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) với sản phẩm đường lỏng HFCS và điều tra áp dụng biện pháp CBPG và chống trợ cấp với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan để đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành mía đường Việt Nam nói chung và người nông dân trồng mía nói riêng.

Đối với công tác kháng kiện, trong thời gian qua, số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng. Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc PVTM đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ...

Trong các vụ việc đã xử lý thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện; cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp; tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra.

Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực. Nhiều mặt hàng (thủy sản, sắt thép, gạch ốp lát...) mặc dù bị áp dụng nước ngoài áp dụng biện pháp PVTM nhưng một số doanh nghiệp xuất khẩu chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu. Do đó, kim ngạch hầu hết các mặt hàng bị áp thuế không bị ảnh hưởng nhiều sau khi kết thúc vụ kiện.

Ngoài ra, nhiều vụ việc thuế của Việt Nam thấp hơn các nước cùng bị kiện nên ta có lợi thế so sánh khi tiếp tục xuất khẩu. Bên cạnh đó, để tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành khiếu nại 5 vụ việc PVTM của nước ngoài áp dụng với hàng xuất khẩu của Việt Nam ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc và đều có kết quả tích cực.

Trên “mặt trận” đấu tranh chống lẩn tránh thuế PVTM, gian lận xuất xứ, thực hiện Đề án 824, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động như: Ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương để triển khai Đề án 824, trong đó chú trọng vào công tác theo dõi, giám sát và cảnh báo với những mặt hàng có nguy cơ cao, đồng thời lên kế hoạch tiếp tục triển khai kiểm tra thực tế các trường hợp nghi ngờ lẩn tránh xuất xứ, thắt chặt việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (đối với các thị trường đòi hỏi C/O), tăng cường hợp tác với các nước liên quan trong các hoạt động chống lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ... Tăng cường công tác cảnh báo sớm: định kỳ ban hành Danh mục hàng hóa cảnh báo sớm theo Đề án 824 để cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền liên quan như Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các tỉnh, thành phố liên quan, các hiệp hội ngành hàng.

Đồng thời, chủ động cung cấp thông tin cho các đối tác thương mại lớn về công tác phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và trao đổi với các cơ quan liên quan đề xuất xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, phối hợp giữa hai bên trong quá trình đấu tranh với hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ. Sửa đổi, ban hành một số văn bản pháp luật để hạn chế nguy cơ lẩn tránh, gian lận xuất xứ, gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu (nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định khai báo tự nguyện thông tin về năng lực sản xuất gỗ dán xuất khẩu; ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ gán vào Việt Nam để tái xuất Hoa Kỳ; Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu). Tăng cường công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.

Trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới cũng đang tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, khai thác hiệu quả các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật PVTM của Việt Nam đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp; củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các Bộ, ngành trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội; hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về PVTM để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và thực tiễn xử lý PVTM của Việt Nam và thế giới cho cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng chiến lược chủ động sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ hợp lý và hợp pháp ngành sản xuất trong nước theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật trong nước, cân bằng giữa lợi ích của các ngành sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế xã hội; tăng cường nguồn lực cho công tác PVTM, kể cả rà soát, tổng kết, đề xuất định hướng kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ quan PVTM để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác PVTM.

Với các chiến lược và biện pháp cụ thể về PVTM, Bộ Công Thương nhấn mạnh, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để tin tưởng rằng công tác PVTM của Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới, góp phần thực hiện tốt chủ trương nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.
Hoa Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất thêm ưu tiên cho phát triển điện khu vực nông thôn, hải đảo

Trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ Cuba Hernandez Guillén đến chào từ biệt

Thủ tướng: Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo vào quá trình phát triển ACMECS

Điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sự cố máy bay Yak-130: Bộ trưởng Phan Văn Giang gửi thư khen hai phi công bản lĩnh, tự tin

Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 2 giữa Trung tướng Phạm Hồng Chương và Thiếu tướng Trần Văn Bắc

Thủ tướng đề xuất cùng xây dựng tiểu vùng Mekong mở rộng đổi mới, sáng tạo

Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2024) - Cuộc cách mạng của nhân dân

Bảo đảm nguồn cung, ổn định giá những tháng cuối năm 2024

Xử lý SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của tổ chức kiểm toán

Ông Nguyễn Đình Việt được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La

Công điện của Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thiết kế 'luồng xanh' để hút vốn đầu tư

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp song phương với Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng